Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Dak Lak

16:48, 31/08/2013

Sáng 30-8, Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội khóa VIII, do ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Dak Lak

Nội dung buổi làm  việc về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, phương hướng nhiệm vụ năm 2014; đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015) và tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Hoàng Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, Y Dhăm Ênuôi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

g
Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc của UBND tỉnh cho biết: 7 tháng đầu năm 2013, giá trị tổng sản phẩm xã hội toàn tỉnh tăng 5,47%; thu nhập bình quân đầu người 12,9 triệu đồng/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 5.946 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 48% dự toán Trung ương giao và 46,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Trên cơ sở dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch năm 2013, năm 2014 tỉnh sẽ xây dựng các chỉ tiêu theo định hướng tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh chính trị; với các chỉ tiêu cụ thể như sau: tổng sản phẩm xã hội khoảng 17.488 tỷ đồng, tăng 8-9% so với năm 2013; cơ cấu kinh tế, nông-lâm-ngư chiếm 44-45%, công nghiệp-xây dựng chiếm 17-18%, dịch vụ 37-38%; thu nhập bình quân đầu người 30,1 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 14.400 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước khoảng 3.315 tỷ đồng, tăng 6-7% so với năm 2013; tạo việc làm cho 26.500 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,67%...

g
Ông Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015): nền kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, lạm phát có xu hướng giảm, lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến tốt. Kết quả cụ thể: quy mô nền kinh tế đạt trên 16.000 tỷ đồng, gấp 1,27 lần so với năm 2010; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm ước đạt 8,42%/năm; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện; ước tính đến cuối năm 2013, thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho 75% diện tích cây trồng; cấp điện cho 97,6% thôn, buôn; nhựa hóa, bê tông hóa 86,97% đường tỉnh…

Về tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên địa bàn, đến nay có 10/19 sở, ngành; 6/15 huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2013; 48 cơ quan hành chính Nhà nước đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; 100% cơ quan, đơn vị duy trì sử dụng hệ thống thư điện tử của tỉnh; triển khai, sắp xếp, cổ phần hóa được 83 doanh nghiệp Nhà nước.

Tại buổi làm việc, tỉnh Dak Lak đề nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015 và chuẩn bị cho giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ, đầu tư xây dựng TP.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; cho phép vận dụng cơ chế theo Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; có chính sách miễn tiền thuê đất, thuê rừng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những kết quả mà Dak Lak đã đạt được trong 7 tháng đầu năm 2013 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015); đồng thời chia sẻ những khó khăn của địa phương về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Mặt khác, ông ghi nhận những kiến nghị của địa phương để trình với Chính phủ và Quốc hội, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ  thời gian tới, trong đó chú trọng vào giải quyết một số vấn đề cấp bách như thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh; nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng; phát huy tiềm năng, thế mạnh về cây cà phê, hạn chế tối đa việc xuất khẩu thô mặt hàng chủ lực này, từng bước nâng cao thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở cả thị trường trong nước và Quốc tế.
 

Hoàng Tuyết
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.