Huyện Cư M’gar:
Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo theo Đề án 1956 đạt thấp
Sáng 16-10, UBND huyện Cư M’gar đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), các cấp, ngành trên địa bàn huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch, điều tra nhu cầu và triển khai các hoạt động dạy nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa bàn nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Huyện đã được đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề với kinh phí giai đoạn 1 hơn 15,4 tỷ đồng, kinh phí mua sắm thiết bị giai đoạn 1 hơn 2,3 tỷ đồng. Trung tâm đã được bố trí 13 viên chức, giáo viên; biên soạn hoàn chỉnh 14 bộ giáo trình trình độ sơ cấp, được Sở Lao động – Thương binh và xã hội cấp giấy phép hoạt động 6 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong 3 năm qua, toàn huyện có 5 cơ sở dạy nghề tham gia tổ chức 21 lớp dạy nghề cho 651 lao động nông thôn với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó có 3 lớp dạy nghề cho người nghèo. Các nghề đào tạo gồm: sửa chữa xe máy, tin học ứng dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm, trồng và chăm sóc cây cà phê. Tỷ lệ lao động nông thôn được học nghề đạt 20,26% so với nhu cầu học nghề của người lao động. Có 365 lao động sau học nghề làm đúng nghề đã được đào tạo hoặc tự tạo việc làm; 12 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng.
Giờ thực hành của lớp May công nghiệp... |
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; vẫn còn tình trạng đăng ký danh sách học nghề “ảo” gây khó khăn cho công tác tuyển sinh; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề; tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp so với nhu cầu học nghề và chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm; chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế; chế độ hỗ trợ cho người học và nguồn kinh phí phân bổ hằng năm cho đào tạo nghề còn thấp; số người tìm được việc làm ổn định sau đào tạo nghề còn ít, nhất là các nghề phi nông nghiệp; chưa có chính sách đãi ngộ và thu hút giáo viên dạy nghề…
...và lớp sửa chữa xe máy tại Trung tâm dạy nghề huyện Cư M'gar |
Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở dạy nghề, chính quyền địa phương đã thảo luận, góp ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, trong đó tập trung vào công tác tuyển sinh, định hướng nghề cần học theo nhu cầu thị trường lao động và đầu ra sau học nghề.
Trong thời gian tới, huyện Cư M’gar sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác học nghề; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 ở cấp xã, thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề; chú trọng đào tạo những nghề trọng điểm phục vụ sản xuất tại chỗ…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc