Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Tổng kết sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống lụt bão năm 2013

09:37, 11/11/2013
Năm 2013, mặc dù diễn biến thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ sự tập trung chỉ đạo sâu sát của huyện, nên kinh tế nông nghiệp của huyện Ea Súp năm 2013 vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Tổng diện tích gieo trồng đạt 4.455 ha;  trong đó lúa 3.527 ha, đạt 101% kế hoạch, năng suất đạt 71 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 25.073 tấn; diện tích hoa màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày đều tăng, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực của huyện năm 2013 lên 33.465 tấn. Chăn nuôi gia súc gia cầm tiếp tục phát triển, kiểm soát kịp thời bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.

Trong năm 2013, công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn huyện Ea Súp gặp rất nhiều khó khăn, thời tiết biến đổi phức tạp gây ra hạn hán, lốc xoáy và những trận lũ lụt làm thiệt hại lớn về người và của. Trong đợt lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, mặc dù Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện đã chủ động thông báo đến người dân, đồng thời huy động lực lượng 4 tại chỗ từ huyện đến cơ sở làm công tác ứng cứu kịp thời, tuy nhiên, cơn lũ đã gây ngập lụt lớn tại 8/10 xã, thị trấn, làm chết 7 người, 1 người mất tích; hàng nghìn ha cây trồng các loại bị chìm trong lũ; trên 13.500 con gia súc gia cầm bị cuốn trôi, hàng trăm km đường giao thông và kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại ước tính 114 tỷ đồng.

Năm 2014, huyện phấn đấu phát triển tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 5.000 ha, tổng sản lượng lương thực tăng 3% trở lên so với năm 2013, chú trọng  việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng kỹ thuật, vùng sản xuất giống gắn với chủ trương dồn điền đổi thửa và phát triển cơ giới hóa nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Văn Tân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.