Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với vi-rút cúm nguy hiểm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa ký quyết định Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi-rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Mục tiêu Kế hoạch đặt ra là phải giảm thiểu nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi vi-rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, giảm thiểu nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người.
4 tình huống hành động
Với phương pháp tiếp cận "Một sức khỏe", trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, bảo đảm đạt được các mục tiêu đã đề ra, Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên 4 tình huống.
Tình huống 1: Chưa phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.
Tình huống 2: Chưa phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.
Tình huống 3: Phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.
Tình huống 4: Phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.
Về giải pháp thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ biện pháp ưu tiên số một hiện nay là nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc biếu, cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, nhằm ngăn chặn vi-rút xâm nhập vào trong nước.
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Không cho buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại các khu vực đường biên và các khu kinh tế mở, nhằm tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực ngành thú y như: Tổ chức tập huấn cho thú y các địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát vi rút cúm A/H7N9; năng lực chẩn đoán, xét nghiệm; liên hệ với các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế về bệnh cúm của WHO, FAO, Úc, Hoa Kỳ và Trung Quốc để cập nhật các quy trình kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm vi-rút cúm A/H7N9 và các vi-rút cúm khác (A/H5N1, A/H10N8, A/H5N2, A/H6N1).
Lập kế hoạch ứng phó cụ thể cho từng tình huống dịch, triển khai diễn tập ứng phó dịch, đánh giá nguy cơ... cũng như truyền thông nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong phòng chống dịch.
Tính đến ngày 16-2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành: Dak Lak, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên và Lào Cai.
Trước tình hình trên, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Cục Thú y cũng đã quyết định thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện vi-rút cúm A/H7N9.
Theo chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc