Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa
Chiều 24-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Dak Lak Y Khút Niê đóng góp ý kiến tại hội nghị |
Theo các đại biểu, đối với Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội, cần có một điều riêng để giải thích từ ngữ, vì dự thảo luật này có nhiều từ, cụm từ mới như “làm hiến pháp”, “làm luật”, “ra pháp lệnh”… Về việc bỏ phiếu tín nhiệm được quy định tại Điều 21, có đại biểu yêu cầu phải quy định rõ thời gian bao lâu thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm một lần, cũng có đại biểu cho rằng vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa cần thiết phải xây dựng thành luật. Tương tự, việc quy định thời gian phát biểu mỗi lần của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 7 phút là chưa phù hợp, vì thời gian phát biểu phụ thuộc vào nội dung cần chuyển tải nên chỉ cần đưa vào quy chế phiên họp là đủ. Về vấn đề số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự thảo đưa ra ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng thêm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đa số ý kiến đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm cứu hộ giao thông đường thủy nội địa là bắt buộc, vì nếu cho phép thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cứu hộ và chủ phương tiện, thuyền trưởng, người lái phương tiện như dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng bỏ mặc phương tiện bị sự cố, gặp nạn do không thỏa thuận được giá cả cứu hộ; thay từ “thắp” (thắp hai đèn đỏ, thắp thêm đèn mạn…) bằng từ “bật”; không nên liệt kê nội dung quản lý Nhà nước về giao thông thủy nội địa vì sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc