Hỗ trợ 500 triệu đồng cho doanh nghiệp có mô hình kinh doanh công nghệ mới
Liên bộ Tài chính, Công Thương vừa ban hành Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
Thông tư quy định ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, tổ chức thực hiện và ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho các hoạt động khuyến công địa phương do UBND cấp tỉnh, huyện, xã quản lý, tổ chức thực hiện. Điểm nổi bật tại Thông tư liên tịch 26 lần này là Chính phủ sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới với mức tối đa 30%, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về mức chi cho các hoạt động khuyến công quốc gia. Cụ thể, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông nghiệp đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân học tập tối đa 100 triệu đồng/mô hình. Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với mức tối đa 50% chi phí nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ 100% tiền vé máy bay cho các cơ sở nông nghiệp nông thôn đi tham gia khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài.
ảnh minh họa |
Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ kinh phí, các dự án, mô hình của doanh nghiệp hoặc cá nhân phải đạt được đủ các yêu cầu chi tiết quy định trong Thông tư 26 đã được phê duyệt. Theo đó, nhiệm vụ, đề án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (cụ thể là Bộ Công Thương đối với khuyến công quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã đối với khuyến công địa phương). Các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách Nhà nước hỗ trợ). Bên cạnh đó, cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ.
Thông tư đề nghị Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất; giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của các đề án, bảo đảm việc quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 8-4-2014 và thay thế Thông tư số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17-6-2009.
Theo V.O.V
Ý kiến bạn đọc