Xây dựng mối quan hệ đối tác để hiện thực hóa tiềm năng của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam
Ngày 21-4, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Diễn đàn đối tác phát triển Khu vực tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam với chủ đề “Xây dựng quan hệ đối tác để hiện thực hóa tiềm năng”.
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị- Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang, đại diện Chính phủ hoàng gia Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, cùng với hơn 170 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các đối tác phát triển, lãnh đạo các tỉnh và đại diện khu vực tư nhân tại các tỉnh của 3 nước trong Khu vực TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam. Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ngài Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đồng chủ tọa diễn đàn. Đây là diễn đàn dành cho 5 tỉnh của Việt Nam, các tỉnh của Lào và Campuchia tham dự với vai trò là quan sát viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tham gia thảo luận Chiến lược phát triển TGPT dựa trên Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của khu vực TGPT và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của 5 tỉnh Việt Nam gồm: Bình Phước, Dak Nông, Dak Lak, Gia Lai và Kon Tum trong Khu vực TGPT. Các đại biểu đã trao đổi về đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác trong Khu vực TGPT nhằm tạo ra những động lực mới để hỗ trợ thực hiện các chương trình và dự án hợp tác đã được ưu tiên. Theo đánh giá chung trong khu vực TGPT, 5 tỉnh của Việt Nam có trình độ sản xuất khá hơn so với các tỉnh của Campuchia và Lào. Trong giai đoạn 2011-2013, 5 tỉnh Việt Nam đạt tăng trưởng bình quân khoảng 10,6%/năm (giá so sánh năm 2010), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Năm 2010, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 46,5%, công nghiệp-xây dựng 23,6%, dịch vụ 29,9%, đến năm 2013, tỷ trọng các ngành này tương ứng lần lượt là 41,8%, 25,3% và 32,9%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khu vực TGPT 5 tỉnh đạt 1.415 USD, bằng 74,5% so với bình quân cả nước.
Toàn cảnh diễn đàn |
Các đại biểu cũng đã đi sâu phân tích hiện trạng, xác định phương hướng cụ thể và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa các địa phương trong Khu vực TGPT và các đối tác, huy động các nguồn lực, triển khai có hiệu quả các dự án trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu vực TGPT. Các phiên thảo luận của diễn đàn cũng đã tập trung vào các chuyên đề: nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới; thúc đẩy tiềm năng phát triển để giảm nghèo..., rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng, khu vực khác của mỗi nước.
Diễn đàn lần này đã mở ra triển vọng và cơ hội mới cho mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh trong Khu vực TGPT và các đối tác phát triển để khai thác tiềm năng, hướng tới sự phát triển bền vững, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển của Khu vực TGPT này với phần còn lại của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam.
Các đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp, du dịch của các tỉnh triển lãm tại diễn đàn |
Trong khuôn khổ diễn đàn, ngày 22-4, các đại biểu sẽ đi thăm một số dự án tại tỉnh Dak Nông như cửa khẩu Dak Peur, dự án du lịch sinh thái tiềm năng... Đây là dịp để các đại biểu chứng kiến những thành tựu và hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh đã đem lại cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong khu vực dự án.
Thuận Nguyễn - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc