Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê tại Tây Nguyên
Sáng 25-6, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Sở NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tái canh cà phê tại Tây Nguyên (giai đoạn 2011-2014)
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới khoảng 140-160 nghìn ha. Từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty Cà phê Việt Nam đã tái canh được khoảng 2.000 ha; trong 3 niên vụ (từ 2010-2014), Hiệp hội đã chi gần 5,9 tỷ đồng để mua gần 15,7 tấn hạt giống và 471 nghìn cây giống đa dòng (TRS1) từ Viện KHKTNLN Tây Nguyên cấp miễn phí cho các Sở NN-PTNT của 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức ươm, sau đó giao cho người trồng cà phê.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Trên địa bàn Dak Lak, tổng diện tích cà phê cần tái canh từ năm 2013-2020 là gần 28.000 ha, trong 2 năm 2012 và 2013 đã tiến hành tái canh gần 6.300 ha (bao gồm cả diện tích của Tổng công ty Cà phê Việt nam).
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN-PTNT) thăm vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi |
Hội nghị đánh giá, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tái canh nhưng kết quả mang lại không như mong đợi. Do đó, các đại biểu đã kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm trình đề án tái canh cà phê toàn diện để Chính phủ phê duyệt; Ngân hàng NN-PTNT nghiên cứu hạ lãi suất cho vay phù hợp, thủ tục vay thuận tiện để nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời; cần có chính sách giảm hoặc miễn thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay cho các doanh nghiệp khi thực hiện tái canh cà phê; tập trung nghiên cứu các giải pháp diệt tuyến trùng, nấm và chuyển giao kỹ thuật tái canh cà phê cho người nông dân…
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc