Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo đầu bờ về mô hình ươm rau giống theo công nghệ mới

14:33, 11/06/2014
 Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Hội thảo đầu bờ Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống rau trên vỉ xốp trong nhà màng tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột.
Các đại biểu tham quan vườn rau trồng trong nhà màng  của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ  tại xã Hòa Thắng - TP. Buôn Ma Thuột.
Các đại biểu tham quan vườn rau trồng trong nhà màng của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tại xã Hòa Thắng - TP. Buôn Ma Thuột.

Với đối tượng sản xuất chính là: cà chua ghép, su hào, bắp cải và xà lách, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao có tính thiết thực đối với người nông dân. Mô hình này được bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu của đề tài xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống rau trên vỉ xốp trong nhà màng tỉnh Dak Lak, do Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện.

Kết quả nghiên cứu đề tài cho thấy: Với các giống rau củ được ươm trồng trong vỉ xốp, người trồng rau có thể kiểm soát được lượng đất, phân bón, nước thích hợp cho cây trồng, hạn chế được sâu bệnh lây lan, cải thiện chất lượng giống rau một cách đáng kể. Ngoài ra, mô hình ươm rau giống trên vỉ xốp sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, kết hợp kỹ thuật, thiết bị hiện đại sẽ hạn chế được tác hại đến  môi trường, chủ động thời vụ, quy trình sản xuất có tính công nghiệp, dây chuyền.

Thạc sĩ Phùng Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm, chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình sản xuất giống rau trong nhà màng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là các nhóm cây rau và cây cà chua ghép. Với kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/1000 m2, nếu chăm sóc tốt, mô hình có thể sản xuất cây rau giống với công suất 100.000 cây/tháng, hiệu quả hơn nhiều so với sản xuất giống rau theo mô hình truyền thống.

 Dự kiến trong thời gian tới, Trung tâm sẽ giới thiệu và triển khai mô hình này tới nhiều địa phương khác nhằm giúp bà con nông dân áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất đối với vườn rau của mình.

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.