Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Sáng 24-7, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương. Tham dự tại điểm cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc |
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2015 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31-3-2012. Mục tiêu của Chương trình nhằm từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Tính đến tháng 6-2014, cả nước đã có 84% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch, tuy nhiên trong đó tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế mới chỉ có 42%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 62,5%. Đến nay, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình khoảng 20.844/27.600 tỷ đồng, đạt 75,6% kế hoạch.
Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak |
Tại Dak Lak, đến nay đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt mức như: tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ trạm xá có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; số hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh. Từ năm 2012 đến nay, chương trình đã huy động được 228 tỷ đồng, đạt 77,3% kế hoạch, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi chiếm tỷ lệ cao nhất với 65,7% do người dân vay và tự đầu tư các công trình cấp nước nhỏ lẻ, kết nối sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Để nâng cao hiệu quả Chương trình, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn ngày càng lớn nên ngoài nguồn vốn hỗ trợ hằng năm cho các địa phương, đề nghị Chính phủ cần xem xét cho sử dụng các nguồn khác như vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ; đề nghị Bộ NN-PTNN sớm ban hành định mức xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm tạo cơ hội thuận lợi và bình đẳng để người dân được hưởng lợi và tham gia một cách tích cực, chủ động vào các hoạt động của Chương trình; việc thực hiện Chương trình phải gắn liền với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là một trong những chương trình nhằm bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên các địa phương cần gắn chương trình với việc triển khai xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng, quản lý vận hành các công trình cấp nước, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng; đa dạng hóa các loại hình công nghệ khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý và nâng cao chất lượng nước phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng; chú trọng về hiệu quả sau đầu tư, đặc biệt quan tâm đến mô hình và cơ chế quản lý các công trình cấp nước tập trung, công trình công cộng. Trong đầu tư xây dựng cần ưu tiên hỗ trợ cho những vùng nghèo, người nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn, thường xuyên hạn hán, ô nhiễm, miền núi, ven biển, hải đảo.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc