Hội thảo đánh giá hoạt động của cộng đồng, truyền thông phòng chống bệnh truyền nhiễm
Sáng 3-10, Ban Quản lý Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2 đã tổ chức Hội thảo đánh giá hoạt động của cộng đồng, truyền thông phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan truyền thông của trung ương, tỉnh, Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Sở Y tế), Đài truyền thanh-truyền hình của các huyện, thành phố trong vùng dự án (TP. Buôn Ma Thuột, Ea Súp, Buôn Đôn, Lak, Krông Năng).
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được thông tin tình hình bệnh truyền nhiễm trong 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, với diễn biến chung của dịch bệnh trên thế giới và toàn quốc, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong 9 tháng đầu năm ở Dak Lak tương đối ổn định với 10 bệnh giảm (lỵ trực trùng, amip, tiêu chảy, sốt xuất huyết, viêm gan vi rút, dại, uốn ván, liệt mềm cấp nghi bại liệt, cúm, tay chân miệng), 4 bệnh tăng (sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị) và 14 bệnh ổn định. Mặc dù cúm A/H5N1 được ghi nhận dương tính trên gia cầm nhưng không có ca bệnh trên người. Bệnh sởi đã ghi nhận các trường hợp xác định tuy nhiên chủ yếu tản phát và không có trường hợp tử vong. Đặc biệt, ghi nhận một trường hợp trở về từ vùng dịch Ebola (tại nước Liberia) và đã triển khai hoạt động giám sát theo đúng quy định… Đối với công tác truyền thông phòng chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, đánh giá tại Hội thảo cho rằng, hoạt động của các cơ quan truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác này, đồng thời mong muốn các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp với ngành Y tế đưa thông tin đến người dân về phòng chống bệnh truyền nhiễm và hưởng ứng tiêm chủng mở rộng nhằm bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2 thông tin tình hình bệnh truyền nhiễm tại Hội thảo |
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, đóng góp ý kiến và đưa ra nhiều giải pháp tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm, đó là ngành Y tế cần phải phát huy hơn nữa vai trò, hoạt động của cộng tác viên y tế thôn, buôn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella nhằm tránh tình trạng bỏ sót đối tượng; cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh cho các cơ quan truyền thông đầy đủ kịp thời để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả. Đối với những vấn đề “nóng” liên quan đến công tác tiêm chủng mở rộng hoặc phòng chống dịch bệnh, các đại biểu đề nghị nên họp báo để cung cấp thông tin cụ thể, chính xác...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc