Hội thảo khoa học Bảo tồn nguồn gen cây lúa rẫy LC 408 và lúa nước VN 121
Sáng 9-10, tại huyện Cư M'gar, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Cư M'gar và Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Minh Hưng (Tập đoàn Haifa) tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn nguồn gen cây lúa rẫy LC 408 và lúa nước VN 121.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học Bảo tồn nguồn gen cây lúa rẫy LC 408 và lúa nước VN 121 |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả việc triển khai trồng thử nghiệm giống lúa nước VN 121 và lúa rẫy LC 408 (do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nghiên cứu lai tạo) ở các xã trên địa bàn huyện Cư M'gar. Trong đó, giống lúa nước VN 121 giao cho 2 hộ dân xã Cư M'gar và thị trấn Ea Pôk trồng thử nghiệm từ vụ thu đông 2013-2014. Kết quả, đây là giống lúa ngắn ngày, có khả năng sản xuất được 3 vụ (đông xuân, hè thu, thu đông), năng suất ước đạt khoảng 70 tạ/ha; phù hợp với điều kiện sản xuất, thâm canh của nông dân vùng miền núi.
Giống lúa rẫy LC 408 vừa được trồng thử nghiệm tại 3 hộ dân ở xã Cư D'liê M'nông, Ea M'droh và thị trấn Ea Pôk trong vụ hè thu 2014. Theo đánh giá của các nhà khoa học, giống lúa này có thể trồng trên 2 loại chân đất: dưới ruộng hoặc trên cạn, khả năng chống hạn và chống sâu bệnh cao, năng suất bình quân ước đạt 50 tạ/ha... Được biết, giống lúa rẫy LC 408 đã được Bộ NN&PTNT cho phát triển rộng khắp ở khu vực Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên từ năm 2005-2012.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi về giống lúa rẫy LC 408 |
Huyện Cư M’gar hiện có khoảng 2.000 ha diện tích đất lúa nước, trong đó giống lúa được gieo trồng chủ yếu là lúa lai nguồn gốc từ Trung Quốc, riêng một số giống lúa khác ở địa phương đang dần thoái hóa, năng suất và hiệu quả kém. Do đó, việc trồng thử nghiệm hai giống lúa này nhằm góp phần bảo tồn nguồn gen, tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Qua đó, từng bước nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc