Multimedia Đọc Báo in

Trên 24.290 ha cây trồng bị khô hạn

09:09, 25/03/2015

Chiều 24-3, UBND tỉnh đã tổ chức họp Tiểu Ban chỉ đạo phòng, chống hạn vụ đông xuân 2014-2015 để đề ra các giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi, diễn biến phức tạp, khả năng hạn hán kéo dài hiện nay.  

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, vụ đông – xuân 2014-2015 gặp nhiều khó khăn do mùa mưa kết thúc sớm so với mọi năm, tổng lượng mưa trong toàn vụ đạt thấp, mực nước các hồ chứa giảm nhanh, lượng nước ngầm sụt giảm nhiều so với cùng kỳ. 

Đại diện các sở, ngành tham dự cuộc họp
Đại diện các sở, ngành tham dự cuộc họp

Ứng phó với tình hình khô hạn, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống hạn: tu sửa công trình đầu mối, huy động nhân dân nạo vét kênh mương bảo đảm dẫn nước tưới đến ruộng đồng; chuẩn bị nhiên liệu dự trữ, sẵn sàng đặt các trạm bơm dã chiến; ưu tiên cung cấp nước tưới cho diện tích cây giống, lúa đang trổ, tưới luân phiên, tủ gốc giữ ẩm… Tuy nhiên, do nguồn nước chống hạn gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến ngày 24-3, toàn tỉnh có 24.291ha/45.987 ha đã gieo trồng bị hạn, trong đó diện tích bị mất trắng là 878 ha; 2.516 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt (huyện Krông Bông: 1360 hộ, Krông Năng: 100 hộ; Ea Kar: 1.056 hộ). Ước tổng thiệt hại do hạn hán gây ra khoảng 765 tỷ đồng.

Nhiều cánh đồng lúa ở xã Cư Ni (Ea Kar) bị khô hạn
Nhiều cánh đồng lúa ở xã Cư Ni (Ea Kar) bị khô hạn

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, để ứng phó với hạn hán đang ngày một trở nên gay gắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT chuẩn bị chu đáo các nguồn lực cho công tác phòng chống cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ; các công trình thủy lợi, thủy điện có biện pháp quản lý, điều tiết nguồn nước phù hợp phục vụ cho công tác phòng chống cháy và chống hạn hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm; rà soát lại diện tích cây trồng cần tưới và cân đối nước hiện có để bố trí nguồn nước theo thứ tự ưu tiên: cấp nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày (cà phê, hồ tiêu), lúa và hoa màu khác. Đề nghị Sở Tài chính tập trung giải ngân các nguồn kinh phí cho chống hạn, nếu thiếu hụt có thể trích kinh phí dự phòng, đồng thời huy động sức dân tham gia chống hạn hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc