Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW
Sáng 21-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Đầu cầu Dak Lak, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cùng đại diện các sở, ngành.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, các công trình, dự án hạ tầng bước đầu đã được tập trung đầu tư hoàn thiện. Các công trình giao thông quan trọng được nâng cấp, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong nước và quốc tế. Nhiều dự án hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhiều công trình hạ tầng đô thị được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Các khu công nghiệp, kinh tế được các địa phương tập trung đầu tư; hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh. Hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và từng bước trở thành siêu xa lộ thông tin. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện; hạ tầng y tế đang được khẩn trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; chương trình nông thôn mới từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn …
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị |
Về huy động nguồn lực đầu tư, chỉ tính riêng các dự, án, công trình trọng điểm đã thực hiện tổng lượng vốn khoảng 550.000 tỷ đồng (không kể các dự án thuộc ngành điện), bằng 50% nhu cầu vốn 5 năm 2011-2015, trong đó tỷ lệ tham gia của khu vực ngoài nhà nước chiếm 13,7%. Ước tính tổng tổng lượng vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới 2011-2014 là 591.000 tỷ đồng (dành cho kết cấu hạ tầng), trong đó vốn của khu vực tư nhân là 113.000 tỷ đồng, chiếm 20%. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết còn gặp một số khó khăn hạn chế cần phải điều chỉnh, khắc phục: cơ chế, chính sách còn thiếu tính đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, ban hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện; thực tiễn xuất hiện nhiều hình thức, mô hình mới về đầu tư, khai thác kinh doanh các công trình hạ tầng, song các quy định pháp lý chưa theo kịp để điều chỉnh các hoạt động này; vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển; nguồn vốn ODA dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa cao, đặc biệt là trong quản lý thực hiện quy hoạch, huy động vốn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư…
Các đại biểu tỉnh Dak Lak tham dự hội nghị trực tuyến |
Đối với Dak Lak, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, 11 lĩnh vực được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, đã nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa 95% tỉnh lộ, 75% đường huyện, 38% đường xã, liên xã, 98% xã có đường nhựa đến trung tâm; 95% thôn, buôn có điện, 96,8% số hộ được dùng điện; 100% số xã có hệ thống thông tin thông suốt; diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 17,5 m2 sàn/người, thành thị đạt 24m2 sàn/người; 91,5% thôn buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo, 64,3% số phòng học được kiên cố hóa, 29% trường học đạt chuẩn quốc gia...; 70,1% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên và sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, sớm có chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để cấp vốn kịp thời cho các dự án quan trọng; yêu cầu các bộ ngành liên quan tiến hành rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực để có sự đầu tư hợp lý; huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài; giao Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì sớm xây dựng đề án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ, giải quyết triệt để những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các công trình đầu tư, xây dựng; giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư quản lý chặt chẽ đầu tư công; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc