Multimedia Đọc Báo in

Trên 337.600 lượt hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi

14:35, 22/06/2015

Trong 5 năm (2010 – 2014), toàn tỉnh có 337.625 lượt hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi ở 4 cấp (cơ sở, huyện, tỉnh, trung ương), đạt 55,2% tổng số hộ đăng ký. Thu nhập bình quân của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi từ 50 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm.

1
Cán bộ Hội nông dân huyện Buôn Đôn thăm mô hình trồng tiêu của hội viên

Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều điển hình trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh dịch vụ ở nông thôn. Cụ thể, trong chăn nuôi, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang trang trại theo hướng công nghiệp, áp dụng quy trình kỹ thuật về phòng dịch, an toàn sinh học, tuyển chọn giống tạo ra sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần tăng thu nhập. Trong trồng trọt, đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đa dạng như: trồng hồ tiêu thay thế cây cà phê lâu năm; trồng hoa phong lan ứng dụng công nghệ cao; trồng xen bơ, sầu riêng trong vườn cà phê; trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, quýt, vải… Đặc biệt, phong trào thi đua đã phát triển mô hình đa dạng ngành nghề, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và phát triển bền vững, như mô hình sản xuất và chế biến cà phê chồn; chăn nuôi động vật hoang dã; trồng cà phê, hồ tiêu, nuôi heo, bò kết hợp xử lý chất thải bằng hầm biogas; trồng lúa, cà phê kết hợp với dịch vụ máy san lấp mặt bằng; kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp chăn nuôi, trồng trọt…

2
Nhiều hộ nông dân huyện Cư Kuin đã phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo của tỉnh thông qua việc hỗ trợ nhau vốn, cây, con giống, hướng dẫn cách làm ăn và phổ biến kinh nghiệm, khoa học – kỹ thuật cho 60.208 lượt hộ nghèo, dạy nghề cho 540 lao động thuộc hộ nghèo, 955 hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Từ sự hỗ trợ đó cùng với các chương trình, chính sách của Nhà nước trong 5 năm qua đã giúp 15.566 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.