Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn công tác của Đại sứ Myanmar

22:16, 04/08/2015

Chiều ngày 4-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Myanmar tại Việt Nam do Ngài Đại sứ Win Hlaing dẫn đầu nhân dịp đoàn đến tìm hiểu về kinh nghiệm phát triển cây cao su, cà phê, hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

ảnh
Ngài Đại sứ Myanmar đang trao đổi thông tin với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl

Tại buổi tiếp, thay mặt Đoàn công tác, ngài Win Hlaing cùng phu nhân cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của tỉnh Đắk Lắk dành cho đoàn và thông báo tóm lược mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Myanmar - Việt Nam trong thời gian qua. Myanmar là nước có quan hệ  rất sớm với Việt Nam, từ năm 1947. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hai nước đã nâng quan hệ Tổng Lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28-5-1975). Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, nhất là về chính trị, đối ngoại, thương mại và đầu tư… Hai bên thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn các cấp, kết quả tốt đẹp của những chuyến thăm này tạo nên dấu mốc lịch sử mới, tạo ra định hướng và xung lực mới cho quan hệ hai nước. Đặc biệt Việt Nam đã đầu tư khoảng 600 triệu USD vào Myanmar ở các lĩnh vực. Về nông nghiệp (lúa, hồ tiêu, cà phê) Myanmar rất cần sự hỗ trợ của Việt Nam về công nghệ và sẵn sàng tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam về lĩnh vực này.

ảnh
Hai bên Myanmar và Đắk Lắk cùng chụp ảnh kỷ niệm

Về phía Đắk Lắk, đồng chí Y Dhăm Ênuôl cũng đã giới thiệu khái quát với Đoàn công tác về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những thế mạnh trong trồng trọt với những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh là cà phê, cao su, hồ tiêu. Đắk Lắk sẵn sàng hợp tác với Myanmar trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ cử các chuyên gia đến Myanmar để hỗ trợ trồng cà phê, cao su, hồ tiêu nếu phía Myanmar yêu cầu, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp của Myanmar đầu tư vào Đắk Lắk trong hoạt động chế biến nông sản …
 

Minh Thuận
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.