Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Tập trung phòng chống dịch lở mồm long móng

09:50, 19/01/2016

Cơ quan Thú y vùng 6 TP. Hồ Chí Minh đã có kết luận mẫu xét nghiệm bệnh trên đàn trâu bò 39 con của 6 hộ dân thôn 4, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) bị mắc bệnh ngày 18-12-2015 là bệnh lở mồm long móng do vi-rút type A gây ra.

Đây là chủng vi-rút mới, lây lan rất nhanh trong khi chủng vi-rút lở mồm long móng type O mà ngành Thú y huyện Krông Bông đã triển khai tiêm phòng cho trâu bò trước đây 2 tháng không thể miễn dịch.

Trước tình hình đó, UBND huyện Krông Bông đã ban hành quyết định khẩn về việc bao vây phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc; đồng thời lập phương án chốt chặn tại các vùng có dịch xảy ra nhằm không để các phương tiện vận chuyển trâu bò, phân gia súc ra vào địa bàn có dịch. Cục Thú y cũng đã cấp 20 nghìn liều vắc-xin bệnh lở mồm long móng type A để ngăn chặn dịch tại huyện Krông Bông. Cơ quan Thú y vùng 5 đóng tại TP. Buôn Ma Thuột và UBND huyện Krông Bông huy động toàn bộ cán bộ thú y xuống cơ sở tham gia dập dịch theo hình thức tập trung cuốn chiếu tại các địa phương trọng yếu có dịch. Đặc biệt, ngoài nguồn vật tư, vắc-xin hỗ trợ của Trung ương, các địa phương xảy ra dịch bệnh bùng phát trên diện rộng cũng đã trích nguồn kinh phí của xã cấp thuốc cho các hộ dân tộc thiểu số có trâu bò nhiễm bệnh để điều trị.

Qua 7 ngày dập dịch, đến nay lực lượng thú y đã sử dụng hơn 16 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng type A và hơn 500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cấp cho người dân; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn không chăn thả trâu bò đi ăn rông, nhốt trâu bò mắc bệnh riêng để điều trị. Tính đến ngày 17-1, trên địa bàn huyện Krông Bông có 826 con trâu bò bị nhiễm vi-rút lở mồm long móng type A tại 9 thôn, buôn của 4 xã Cư Pui, Hòa Phong, Hòa Lễ và xã Yang Reh; trong đó có 655 con đã được chữa khỏi bệnh.                                                                                           

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.