Multimedia Đọc Báo in

Tất cả khách hàng đủ điều kiện đều được vay vốn tái canh cà phê

09:55, 26/02/2016
Tất cả khách hàng đủ điều kiện đều được vay vốn tái canh cà phê. Đó là khẳng định của ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Đắk Lắk tại Hội nghị triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê vừa được 2 chi nhánh: Agribank Cư M’gar và Agribank Ea Kpam tổ chức tại huyện Cư M’gar.
 
a
Giám đốc Agribank Cư M’gar Vương Hồng Lĩnh (ngồi giữa) và khách hàng ký kết hợp tác cho vay tái canh cà phê năm 2016
Chương trình cho vay tái canh cà phê đã được các chi nhánh, phòng giao dịch thuộc hệ thống Agribank đứng chân trên địa bàn huyện Cư M’gar triển khai từ 2 năm trước nhưng kết quả mang lại còn thấp. Hiện toàn huyện Cư M’gar chỉ có 1 khách hàng doanh nghiệp vay vốn chương trình này với số vốn đã giải ngân là 8 tỷ đồng; khách hàng cá nhân, hộ gia đình chưa phát sinh khoản vay nào. Theo các đại biểu dự hội nghị, nhu cầu vay vốn tái canh cà phê của doanh nghiệp lẫn người dân trên địa bàn huyện là rất lớn nhưng khách hàng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với khách hàng doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là vốn tự có tham gia dự án thấp, không bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng; tài sản bảo đảm tiền vay không bảo đảm. Đối với hộ gia đình, phần lớn hộ có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê đều đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng, chưa có khả năng trả hết nợ cũ để vay vốn tái canh cà phê; thời gian luân canh theo quy trình tái canh cà phê do Cục Trồng trọt ban hành chưa sát với thực tế sản xuất, hộ sản xuất ngại áp dụng. 
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đình Chánh Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT (Agribank ) Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi nhất. “Agribank Đắk Lắk cam kết, tất cả khách hàng đủ điều kiện đều được vay vốn tái canh cà phê”, ông Trần Đình Chánh nhấn mạnh.
 
Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.