Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika
Chiều 30-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh…
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã báo cáo tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai. Theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 30-3, trên thế giới đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika. Đặc biệt, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc là những nước có chung đường biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kết quả cho thấy tất cả đều âm tính với vi rút Zika. Mặc dù vậy, để chủ động ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã trực tiếp ban hành chỉ thị, công văn chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại các địa phương. Đồng thời, thành lập 4 đội đáp ứng nhanh tại tuyến Trung ương và khu vực sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo địa phương phòng chống dịch bệnh; tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Cũng tại hội nghị, TS Lokky Wai, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch “Người dân tự diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”. Trong công tác giám sát ông cho rằng Việt Nam cần phải thực hiện có trọng tâm, giám sát ở những nơi có nguy cơ cao, đúng thời điểm và đảm bảo quy trình và nên thực hiện kiểm tra chéo tại nhiều trung tâm, trong trường hợp cần thiết có thể gửi mẫu đến cơ quan quốc tế để kiểm tra. Về công tác dự phòng, phải xác định rõ việc kiểm soát muỗi là khâu trọng yếu, từ đó tuyên truyền, vận động mỗi người dân tự bảo vệ mình tránh nguy cơ lây bệnh bằng việc thực hiện các giải pháp hạn chế bị muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, bôi các chất chống muỗi đốt. Đồng thời, kêu gọi sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần phải nâng mức cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika lên mức 2 để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”; chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế sự lây lan ra cộng đồng; triển khai theo dõi mối liên quan giữa việc nhiễm vi rút Zika với chứng đầu nhỏ tại các cơ sở sản nhi trong cả nước; đánh giá năng lực các phòng xét nghiệm và mở rộng các cơ sở xét nghiệm xác định vi rút Zika tại các cơ sở dự phòng, điều trị nếu dịch lan rộng và tránh quá tải đối với tuyến trung ương. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, việc tuyên truyền, tư vấn tránh tạo tâm lý hoang mang khiến người dân ồ ạt đi xét nghiệm khi không cần thiết…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc