Multimedia Đọc Báo in

Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, thể bệnh nặng

19:11, 14/07/2016

Những ngày gần đây, số trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đặc biệt, nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng SXH nặng có sốc và tái sốc.

Theo số liệu thống kê của khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận 347 trường hợp trẻ mắc bệnh SXH. Số trẻ vào viện tăng mạnh trong những ngày gần đây. Chỉ từ đầu tháng 7 đến nay (14-7), đã có 67 trẻ nhập viện do SXH. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 5-10 bệnh nhân mắc SHX mới. Còn tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trong 6 tháng đầu năm tiếp nhận 36 ca bệnh, nhưng nửa đầu tháng 7 này đã có 18 ca nhập viện. Hầu hết các ca bệnh vào khoa đều ở trong tình trạng SXH nặng có sốc và tái sốc.

Một trẻ mắc SXH điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh
Một trẻ mắc SXH điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh

Trước tình hình số trẻ mắc SXH vào viện tăng mạnh, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo 2 khoa Nhi chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất bảo đảm công tác điều trị. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh cho biết: “Nhìn nhận trên thực tế thấy rằng bệnh SXH năm nay diễn biến phức tạp. Do đó, khoa đã có sự chuẩn bị tốt về cơ số thuốc, trang thiết bị đáp ứng điều trị cấp cứu, sốc. Đối với nhân lực, chúng tôi thường xuyên tập huấn phác đồ điều trị SXH cho cả bác sĩ lẫn điều dưỡng nhằm bảo đảm công tác điều trị kịp thời”.

Theo nhận định của Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, so với mọi năm, năm nay dịch SXH đến sớm hơn, số trẻ mắc bệnh đông hơn, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh vào khoa có dấu hiệu cảnh báo và nặng tương đối nhiều. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tránh cho trẻ bị muỗi đốt, chú ý 2 thời điểm sáng sớm và chiều tà. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được phân loại, điều trị kịp thời. Tiến sĩ Minh cũng lưu ý những trường hợp trẻ mắc SXH không được theo dõi tại nhà gồm: bệnh nhân dưới 1 tuổi, bệnh nhân có cơ địa đặc biệt (béo phì, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, suy gan, suy thận), những bệnh nhân nhà ở xa cơ sở y tế. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như nôn ói nhiều, mệt lả, đau bụng, chân tay lạnh, tiểu ít, xuất huyết tự nhiên… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc