Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Tul (huyện Cư M'gar): Bê tông hóa được 80% đường giao thông nông thôn

09:26, 07/10/2016

Ngày 4-10, Đoàn giám sát số 1 của Ủy ban MTTQVN tỉnh đã kiểm tra, giám sát việc huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới” tại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar).

Theo báo cáo của UBND xã Ea Tul, trong thời gian qua, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc huy động nhân dân tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn được triển khai minh bạch trên tinh thần dân chủ, nhân dân được bàn bạc, thống nhất mức đóng góp để triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền công khai, minh bạch nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của huyện, thành lập Ban quản lý, Ban giám sát cộng đồng, nhân dân được giám sát từ khâu giải phóng mặt bằng đến khi hoàn thiện công trình. Sau khi công trình hoàn thành, Ban quản lý tổ chức họp dân để báo cáo quyết toán công trình, niêm yết công khai tài chính tại nhà cộng đồng. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn xã. Từ năm 2013 đến tháng 9-2016, xã Ea Tul đã triển khai xây dựng được gần 30 km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn trên 20,7 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 1,3 tỷ đồng, 16.740 ngày công lao động, hiến 2.450m2 đất và gần 1.000 cây trồng các loại… Đến nay, xã Ea Tul đã bê tông hóa được trên 80% đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã gặp gỡ, trao đổi thực tế với bà con buôn Brah; kiểm tra ngẫu nhiên 30 hộ dân tham gia cuộc họp thông qua phiếu kiểm tra. Qua kiểm tra, Đoàn giám sát đánh giá cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã Ea Tul trong việc huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cách làm minh bạch, công khai, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Công Phong 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.