Hội nghị trực tuyến ngành Khoa học và Công nghệ tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017
Sáng 4-1, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cùng lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2016, các lĩnh vực KH&CN đều cùng vào cuộc và đạt được những kết quả rõ rệt, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015; các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp; thiết kế, chế tạo thành công nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị cơ khí đáp ứng yêu cầu kinh tế-xã hội thay thế nhập khẩu với giá thành cạnh tranh, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm nhập khẩu. Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được cải thiện theo hướng hiện đại, tiện ích, giảm thủ tục và chi phí giao dịch…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống đã đạt được những kết quả quan trọng, ngày càng gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, chú trọng hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống của nhân dân. Kết quả các chương trình khoa học và công nghệ đã làm sáng tỏ thêm về thế mạnh, tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông - lâm nghiệp, đã tuyển chọn, sản xuất và nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, mở ra triển vọng sản xuất các hàng hóa quy mô lớn. Hằng năm, Đắk Lắk sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực, trên 400 nghìn tấn cà phê, đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300 nghìn lao động trực tiếp và hơn 100 nghìn lao động gián tiếp, trong đó KH&CN giữ vai trò quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Năm 2017 là năm bản lề để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, toàn ngành KH&CN tập trung vào các nhiệm vụ: Hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; phát triển các doanh nghiệp KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực cố gắng và thành tựu đạt được của ngành KH&CN trong năm 2016, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác này, đó là: năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện xếp thứ 56 và chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ xếp thứ 92 trong tổng số 140 quốc gia cho thấy nước ta vẫn còn tụt hậu về công nghệ; công tác nghiên cứu được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, nhưng việc áp dụng vào thực tiễn còn ít; quản lý Nhà nước trên các mặt đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, công nghệ cao… còn nhiều bất cập.
Để thúc đẩy KHCN phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tạo thể chế thông thoáng, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, quyền thực thi pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ; tiến hành rà soát và xây dựng đội ngũ cán bộ ngành KH&CN cân đối với các ngành, lĩnh vực; nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường, tránh tình trạng hành chính hóa trong lĩnh vực KHCN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực KHCN…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc