Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nguy kịch

14:26, 20/02/2017

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vừa cứu sống một trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân là bà Trần Thị Trình, 81 tuổi, trú ở thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana. Bệnh nhân được chuyển đến từ BVĐK huyện Krông Ana vào sáng 17-2 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt 50/30mmhg, mạch quay yếu, tim loạn nhịp hoàn toàn chậm 40 lần/phút (bình thường 60-100 lần/phút). Các bác sỹ của Khoa đã tiến hành hội chẩn, xác định bệnh nhân bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp vùng dưới, rối loạn nhịp tim.

Bác sĩ Nguyễn Thiện Ái kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân Trần Thị Trình.
Bác sĩ Nguyễn Thiện Ái kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân Trần Thị Trình.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu tại chỗ và chuyển trực tiếp vào phòng thông tim. Tại đây, các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân, chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn gần động mạch vành phải, hẹp 90% đoạn giữa động mạch mũ, hẹp 90% động mạch liên thức sau chéo 1. Bệnh nhân được can thiệp động mạch vành phải để cấp cứu và trong quá trình can thiệp, huyết áp bệnh nhân tiếp tục giảm và ngưng tim. Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, các bác sĩ đã đặt nội khí quản bóp bóng, nâng huyết áp bằng thuốc vận mạch, đồng thời, tiếp tục can thiệp thành công với một stent mạch vành phải. Sau khi động mạch vành phải tái thông, huyết áp bệnh nhân đã trở lại và tự thở được. Sau 2 ngày điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã ổn định trở lại.

Theo bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp như của bệnh nhân Trần Thị Trình có biến chứng ngưng tim, ngưng thở là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, gần như đưa đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.