Đề nghị tìm phương án giải quyết đường địa giới chưa thống nhất giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa
UBND tỉnh vừa ban hành Báo cáo số 21/BC-UBND về kết quả khảo sát thực trạng đường địa giới chưa thống nhất giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh Đắk Lắk được thành lập năm 1976 trên cơ sở sáp nhập từ tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Quảng Đức, có diện tích lớn thứ 2 Việt Nam với 19.800 km2. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), đến năm 1993 tỉnh Đắk Lắk đã hiệp thương, thống nhất đường địa giới hành chính với các tỉnh giáp ranh, đồng thời lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo quy định. Hiện nay, đường địa giới hành chính giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh giáp ranh: Phú Yên, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đã được thống nhất, riêng tuyến địa giới giáp ranh tỉnh Khánh Hòa vẫn còn chưa thống nhất ở khu vực quản lý chồng lấn đường địa giới hành chính trên địa bàn xã Ea Trang huyện M’Đrắk giáp với xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 9.300 ha.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và nhà tài trợ tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Ea Trang và các xã của huyện M'Đrắk bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ảnh minh họa |
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần tổ chức hiệp thương thống nhất khu vực địa giới hành chính còn chồng lấn, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai tỉnh về việc phân định khu vực còn tranh chấp.
Sau khi khảo sát, hai tỉnh đã đề ra phương án giải quyết tranh chấp. Theo chủ trương của tỉnh Đắk Lắk thì khu vực 9.300 ha đang tranh chấp sẽ điều chỉnh theo phương án tỉnh Khánh Hòa ½ diện tích và tỉnh Đắk Lắk ½ diện tích còn lại (tỉnh Đắk Lắk nhận 4.625,1 ha đất tự nhiên; tỉnh Khánh Hòa nhận 4.674,9 ha đất tự nhiên). Theo chủ trương của tỉnh Khánh Hòa, thì tỉnh Khánh Hòa chỉ giao lại cho tỉnh Đắk Lắk quản lý 131,8 ha diện tích đất tự nhiên, cắt đỉnh núi Cư Hmú và núi Mẹ Bồng Con.
Nếu thực hiện theo phương án của tỉnh Khánh Hòa sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc xã Ea Trang và các đơn vị đang trực tiếp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời nếu giao toàn bộ phần diện tích này cho tỉnh Khánh Hòa thì tại khu vực phần đất (dự kiến theo phương án của tỉnh Đắk Lắk) sẽ không có đường giao thông để xuống Ninh Hòa, muốn đến khu vực này phải đi vòng qua xã Ea Trang, như vậy việc quản lý địa giới hành chính sẽ trở nên khó khăn, phức tạp.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Bộ Nội vụ sớm giải quyết tranh chấp khu vực này để thống nhất quản lý địa giới hành chính theo quan điểm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân địa phương phân biệt rõ ràng địa giới hai tỉnh, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, phù hợp với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh đồng bào các dân tộc đã sinh sống tại khu vực này từ lâu đời.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc