Multimedia Đọc Báo in

4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu

17:30, 22/03/2017

Theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Cụ thể, nhóm thiết bị gia dụng gồm đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ; nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay; nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối, động cơ điện và nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.

Về lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng, đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực thiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31-12-2019 và bắt buộc từ ngày 1-1-2020 đối với sản phẩm đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ. Các thiết bị còn lại được yêu cầu dán nhãn năng lượng bắt buộc. Ở nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với tủ giữ lạnh thương mại; dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với máy photocopy, màn hình máy tính, máy in. Riêng máy tính xách tay sẽ phải dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31-12-2019 và bắt buộc từ ngày 1-1-2020.

Về nhóm phương tiện giao thông vận tải, Quyết định quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống, còn xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ sẽ dán nhãn năng lượng tự nguyện. Sau ngày 1-1-2018, các đối tượng trên sẽ phải dán nhãn năng lượng bắt buộc. Riêng với xe mô tô, xe gắn máy sẽ được dán nhãn tự nguyện đến ngày 31-12-2019, sau đó các đối tượng này đều phải dán nhãn bắt buộc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan tiết kiệm năng lượng tại địa phương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu của các phương tiện, thiết bị trên địa bàn thuộc danh mục theo lộ trình quy định tại Quyết định này.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.