Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực tạo động lực thúc đẩy Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững

20:20, 11/03/2017

 Sáng 11-3, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Về dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; hơn 1.000 đại biểu là đại diện của đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam; lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành trong nước; các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp FDI, tổng công ty, tập đoàn kinh tế trong nước...

Thu tướng
Thu tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chào hỏi thân mật với các đại biểu
Thủ tướng
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Giới thiệu về tiềm năng thế mạnh cũng như đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên tại Hội nghị, đồng chí Điểu Kré, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, là vùng đất đỏ bazan màu mỡ (khoảng 2 triệu héc-ta, chiếm 74,25% đất bazan cả nước), Tây Nguyên rất phù hợp với phát triển cây công nghiệp. Đây còn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... và những sông suối với nhiều cảnh quan, thác nước hoang sơ, hồ nước thơ mộng như: hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai)... Sự hoà hợp giữa núi đồi, sông suối đã tạo ra những cảnh quan thiên nhiên có thể trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng hết sức lý tưởng là tiềm năng lớn về du lịch đang được các địa phương quan tâm đầu tư, phát triển.

Thượng tướng
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, TP. Buôn Ma Thuột đã được quy hoạch phát triển thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; Khu du lịch Măng Đen (tỉnh Kon Tum) và Khu du lịch Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đang được các địa phương quy hoạch phát triển thành các Khu du lịch quốc gia. Khu hang động địa chất huyện Krông Nô đang được tỉnh Đắk Nông xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là Công viên địa chất toàn cầu...

Điều Kre
Đồng chí Điểu Kré, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên giới thiệu tiềm năng của vùng Tây Nguyên

Về thu hút đầu tư, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của toàn vùng. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 266 nghìn tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 11,33%, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân tăng từ 53,4% lên 69,28%. Đến nay, có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 772,5 triệu USD. Năm 2016, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư tăng 111,67% về số dự án và tăng 76,76% về vốn đăng ký. Qua đó góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ để kinh tế Tây Nguyên vươn lên, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,19%, 2016 tăng 7,47%), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển; hệ thống đường giao thông đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông - Tây. Khoảng cách về trình độ phát triển giữa Tây Nguyên và các vùng miền khác được rút ngắn, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 tăng gần 3 lần so với năm 2010, trong đó có một số tỉnh đã vượt hoặc tiệm cận mức bình quân của cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng cũng chia sẻ với Tây Nguyên những khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển mà khu vực này đang phải đối mặt, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các địa phương và doanh nghiệp trong khu vực còn nhỏ và yếu; liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam còn hạn chế. Để Tây Nguyên trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tây Nguyên cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, hấp dẫn để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và phát triển du lịch. Phải sớm từ bỏ lối tư duy cũ, tiếp cận thụ động “vùng cao về địa lý và vùng trũng về phát triển”, tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng to lớn về điều kiện tự nhiên, về con người và trên hết là khát vọng, nhiệt huyết, sự nỗ lực của toàn thể Lãnh đạo và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tạo xung lực thúc đẩy toàn vùng Tây Nguyên phát triển bền vững.”

Đại diện tổ chức hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội nghị
Đại diện tổ chức hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Hội nghị Xúc tiến Đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Qua Hội nghị đã có những định hướng đầu tư đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư về mặt xã hội, gắn kết với các hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời, tạo tạo sự gắn kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc duy trì thúc đẩy một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư vào khu vực này.

Trao
Trao bản ghi nhớ cam kết hỗ trợ đầu tư giữa các tổ chức tín dụng và đại diện chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên
Trao
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết hợp tác tín dụng đầu tư giữa các tổ chức tín dụng với các địa phương, doanh nghiệp với tổng vốn 29.000 tỷ đồng cho 36 dự án. Cũng tại Hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên đã trao chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn cam kết đầu tư gần 4 tỷ USD.

Lê Hương

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.