Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017

06:55, 11/03/2017

Tối 10-3, chương trình khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức long trọng tại Quảng trường 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột)

Về dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Đức Lương, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước và phu nhân; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh, thành trong nước; các đại sứ quán, đoàn kháchquốc tế cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai mạc
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: H.Gia

Giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của khu vực, cà phê Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng không chỉ đem lại nguồn sống, nguồn thu nhập chính cho hơn nửa triệu hộ nông dân mà còn góp phần vào thành tích xuất khẩu của cả nước. Sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Lắk mà tiêu biểu là thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Đắk Lắk đã đóng góp 50% giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lên 1,76 triệu tấn, doanh thu đạt 3,86 tỷ USD. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực tôn vinh những người trồng cà phê, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà chế biến, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều đóng góp cho cây cà phê phát triển. Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển, Lễ hội lần này mở ra nhiều cơ hội giao thương, hợp tác quốc tế cho ngành cà phê Đắk Lắk - Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển bền vững, trở thành khu vực đứng đầu về sản xuất cà phê chất lượng cao trên thế giới…

Đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Lễ hội
Đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: H.Gia

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội nhấn mạnh: “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoa Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 là một sự kiện đặc biệt của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc tổ chức Lễ hội nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Việc tổ chức Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008. Đồng thời, đây là dịp để các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư. Lễ hội cũng là hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.”

Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc. Ảnh: L.Hương

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương, ghi nhận những những đóng góp của tỉnh Đắk Lắk đối với sự phát triển của khu vực, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước, cũng như khẳng định vai trò, vị thế của cây cà phê trong phát triển kinh tế xã hội của Đắk Lắk - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta hãy cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa... Để hiện thực hóa điều đó, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của vùng đất đậm chất sử thi, luôn ý thức giữ gìn không gian sống, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, niềm tự hào của các cộng đồng Êđê, J'rai, M’Nông, Ba Na, Kinh... trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam..."

A
Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao chứng nhận cho các nhà tài trợ Kim cương và Vàng. Ảnh: H.Gia

Sau phần nghi thức, Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 đã diễn ra chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc và hấp dẫn. Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc gồm 3 chương: Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc; Liên kết phát triển và Tương lai tươi sáng với các tiết mục đặc sắc như: Carnival “Hương sắc cà phê” với sự xuất hiện của Top 10 Hoa hậu Việt Nam 2016, Đại sứ truyền thông Lễ hội Phùng Bảo Ngọc Vân và nhóm người mẫu Duyên Anh Đắk Lắk; đại cảnh múa hiện đại và tương tác màn hình: “Bản sắc thăng hoa”'... Chương trình còn có các nghệ sỹ Cuba, các ca sỹ trong nước tham gia như: Mỹ Tâm, Rođamick, Mai Trang, nhóm S girls; vũ đoàn Phương Việt...

Chương trình nghệ thuật đã tái hiện một Tây Nguyên đang trên đà phát triển bằng sự phát huy nội lực và mở rộng liên kết hợp tác. Tiếng cồng tiếng chiêng như thúc giục mời gọi, hãy đến với Tây Nguyên để được hòa mình vào những không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê, M’nông, J’rai, Ba Na... tận hưởng hương sắc cà phê giữa điệp trùng đồi núi. 

Một số tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc:

A
Đại cảnh "Hội tụ tinh hoa". Ảnh: L.Hương
Các tiết mục nghệ thuật luôn thể hiện tầm quan trọng của cây cà phê với con người
Carnival Hương sắc cà phê. Ảnh: H.Gia
A
Nhóm S Girl sôi động với ca khúc "Việt Nam ơi". Ảnh: H.Gia
A
Ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn ca khúc "Niềm tin chiến thắng". Ảnh: H.Gia
A

Tiết mục kết thúc chương trình nghệ thuật đêm khai mạc.Ảnh: H.Gia

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.