Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

18:08, 17/05/2017
Sáng 17-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có đại diện 2000 doanh nghiệp (DN) trong cả nước.
 
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì; cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện các sở, ngành, địa phương; Hiệp hội DN và 20 DN lớn của tỉnh.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, coi DN là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ DN làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp. Đặc biệt, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ mạnh mẽ cho DN trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có 4.527/4.723 (95,85%) thủ tục hành chính được đơn giản hóa; 63/63 tỉnh thành đã ký cam kết với Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Môi trường kinh doanh thuận lợi đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các DN… Với những kết quả Nghị quyết 35 mang lại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016, Việt Nam đã tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh, với 5 chỉ số tăng hạng. 
 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Tại hội nghị, hàng loạt kiến nghị đã được cộng đồng DN phản ánh và mong muốn được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ. Trong đó những tồn tại về khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến DN vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh phiền hà, tốn thời gian và chi phí của DN. Đặc biệt, các giải pháp giảm chi phí cho DN chưa đi vào thực tế và còn chậm làm tăng gánh nặng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của DN. Đồng thời cộng đồng DN cũng đã có những hiến kế để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới như cần nâng cao năng suất lao động thông qua cải cách giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy hành chính công; định hướng phát triển kinh tế theo hướng khai thác lợi thế của Việt Nam; hoàn thiện thể chế, tạo bình đẳng để các thành phần kinh tế có điều kiện phát triển…
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35, tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực thực thi Nghị quyết này. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho DN; gắn trách nhiệm của những người đứng đầu các ngành, địa phương trong việc thực hiện những nhiệm vụ này, góp phần tạo môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh...
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.