Công điện của Thủ tướng về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường công tác phòng chống SXH.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh SXH lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho chính quyền các cấp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh; bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện M'Đrắk kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ ứ đọng nước của các hộ dân trên địa bàn. |
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tăng 11,2%, số tử vong tăng 3 trường hợp. Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà trọ chưa được quan tâm xử lý đúng mức dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, tham gia của người dân và các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương chậm trễ trong việc cấp kinh phí cho công tác phòng, chống.
Tại Đắk Lắk, đến thời điểm này ghi nhận trên 900 ca bệnh SXH tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số ca bệnh tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Lắk, M'Đrắk, Buôn Đôn.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc