Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017

18:03, 08/02/2018

Sáng 8-2, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết công tác CCHC năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình  phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).

Năm 2017, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhất là các thể chế về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội. Từ đầu năm 2017 đến nay, Chính phủ đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành 18 luật; các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 166 nghị định để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tính đến ngày 26-12-2017, chỉ còn 9 thông tư quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ đọng chưa được ban hành (giảm 41,67% so với cùng kỳ năm 2016); đáng chú ý, không có văn bản nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ còn nợ đọng.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được triển khai hiệu quả tại các bộ, ngành. Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN được đẩy mạnh triển khai khi có 11/14 bộ, ngành tham gia kết nối với 38 thủ tục hành chính; tiếp nhận và xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hơn 358.000 bộ hồ sơ với sự tham gia của 11.400 doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tính đến nay, đã có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mạng diện rộng WAN; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở Trung ương, 97,14 % ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 90,87% ở UBND cấp huyện; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành và trên 98% sở, ngành, quận, huyện các tỉnh, thành phố; 18 bộ và 53 tỉnh, thành phố đã sử dụng chữ ký số… Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức đạt kết quả tích cực khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các bộ, cơ quan ngang bộ là 926 dịch vụ; 13.830 dịch vụ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác CCHC đạt được trong năm 2017. Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.