Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Buôn Hồ

08:58, 13/03/2018

Sáng 12-3, Thị ủy Buôn Hồ đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Buôn Hồ (12-3-1975 – 12-3-2018). Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo TX. Buôn Hồ, các huyện Krông Búk, Krông Năng và 149 đồng chí nguyên là cán bộ hoạt động trong thời kỳ H4.

Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của thời kỳ H4 năm xưa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Buôn Hồ là địa bàn rộng lớn bao gồm các huyện Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar, Ea Súp và phần lớn diện tích huyện Ea H’leo, Ea Kar ngày nay. Tháng 10-1965, Khu ủy khu 5 cho hợp nhất B3 và B5 để thành lập tỉnh Đắk Lắk với 10 đơn vị hành chính, huyện Buôn Hồ với mật danh H4 ra đời. Từ ngày 12-3 đến 23-3-1975, lực lượng vũ trang và các đội công tác của Buôn Hồ đã tham gia giải phóng hoàn toàn 9 xã thuộc quận Buôn Hồ và 2 xã thuộc quận Ban Mê Thuột với tổng số dân hơn 43.000 người; đánh tan Chi khu quân sự Buôn Hồ, diệt và bắt sống 600 tên địch, gọi hàng 1.680 binh lính, sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc lực lượng ngụy quân. Chiến công của quân và dân Buôn Hồ đã góp phần cùng với quân dân cả tỉnh, cả nước tiến lên giành thắng lợi trong Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo TX. Buôn Hồ đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đi trước. Tự hào kế tiếp truyền thống vẻ vang ấy, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Buôn Hồ luôn phát huy tinh thần cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy nguồn lực, thi đua lao động sản xuất đạt nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể, trong năm 2017, tổng giá trị sản xuất của thị xã gần 6.400 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; thu cân đối ngân sách 104,6 tỷ đồng, bằng 134% dự toán tỉnh giao; thị xã đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 8,34%.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.