Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo về xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh

16:19, 15/05/2018
Sáng 15-5, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2018-2022 và tầm nhìn đến năm 2030.
 
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Hiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Niê Thanh Hà và đại diện lãnh đạo các đơn vị, ban, ngành hữu quan…
 
a
Đại biểu tham dự Hội thảo

Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ký kết ngày 12-1-2017. Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Đến năm 2030, TP. Buôn Ma Thuột cơ bản trở thành đô thị thông minh, đô thị trung tâm hiện đại kết nối chiến lược khu vực Tây Nguyên.

a
Giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa của TP. Buôn Ma Thuột, (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo, đại diện Tập đoàn VNPT đã báo cáo đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2018-2022 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, giai đoạn 2018-2022 sẽ nâng cấp hạ tầng ICT sẵn sàng cho đô thị thông minh, thiết lập nền tảng công nghệ chung cho đô thị thông minh, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; triển khai xây dựng chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử; các lĩnh vực trọng tâm với vấn đề bức thiết liên quan đến người dân như: dịch vụ công, an ninh an toàn, y tế, du lịch, môi trường…được lựa chọn các giải pháp ưu tiên trong từng lĩnh vực để triển khai theo lộ trình; thí điểm triển khai dữ liệu mở trên một số lĩnh vực. Giai đoạn 2023-2030: mở rộng giải pháp đã triển khai trong giai đoạn trước; các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng sang các lĩnh vực khác của đời sống; nâng cao năng lực xử lý, phân tích dữ liệu lớn, mức độ an toàn, bảo mật dữ liệu lớn, mức độ an toàn, bảo mật dữ liệu khi triển khai đô thị thông minh; dữ liệu mở được triển khai trên mọi lĩnh vực.

Hội thảo cũng đã nghe đại diện Sở Thông tin – Truyền thông báo cáo tham luận về sự cần thiết phải phát triển đô thị thông minh trong thời kỳ cách mạng 4.0; đại diện UBND TP. Buôn Ma Thuột trình bày về lĩnh vực chính quyền số và quy hoạch đô thị; đại diện các sở, ngành trình bày tham luận về lĩnh vực y tế, giáo dục và an ninh - an toàn…
 
q
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững; đồng thời, thống nhất với nội dung báo cáo Đề án của Tập đoàn VNPT. Đồng chí lưu ý, để TP. Buôn Ma Thuột cơ bản trở thành đô thị thông minh vào năm 2030, trước hết cần tập trung vào 6 lĩnh vực: chính quyền số, du lịch, an ninh - an toàn, giáo dục – đào tạo, y tế, giao thông. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan phải chủ động, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh và khu vực chứ không riêng đối với TP. Buôn Ma Thuột…

 
Thúy Hồng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.