Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk có 4 doanh nghiệp được công nhận "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2017

22:18, 24/07/2018

Bộ Công thương vừa phê duyệt và công bố danh sách các “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2017.

Theo đó, Đắk Lắk có 4 doanh nghiệp được xét chọn lần này gồm: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Công ty TNHH Dakman Việt Nam và Công ty Cổ phần Lương thực vật tư nông nghiệp Đắk Lắk. Các doanh nghiệp trên xuất khẩu ở các ngành hàng: cà phê; hạt tiêu; cao su; rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đáp ứng các tiêu chí xét chọn ở cả 2 ngành hàng là cà phê và hạt tiêu, với kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 215.500.157 USD, hạt tiêu 28.557.774 USD; Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk có kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 7.844.995 USD; Công ty TNHH Dakman Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 62.902.061 USD; Công ty Cổ phần Lương thực vật tư nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả đạt 31.106.000 USD.

Trong phân xưởng sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk
Phân xưởng sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk

Được biết, danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường… Trong đó, đối tượng ưu tiên xét chọn tập trung vào những ngành hàng đang khuyến khích xuất khẩu và những ngành hàng gặp khó khăn về mặt thị trường xuất khẩu.

Trên cơ sở đề xuất của 51 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, Sở Công thương các tỉnh, thành phố), Bộ Công thương đã xét chọn được 225 doanh nghiệp (tương đương với 234 lượt doanh nghiệp theo 24 ngành hàng). Riêng lĩnh vực xuất khẩu cà phê có 15 lượt doanh nghiệp; cao su 21 lượt doanh nghiệp; hạt tiêu 14 lượt doanh nghiệp; rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả 15 lượt doanh nghiệp.

Mục tiêu của chương trình “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” là ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước; hỗ trợ giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài thông qua hệ thống Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng khả năng tiếp cận và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nâng cao hơn nữa uy tín cũng như hình ảnh của mình trong kinh doanh thương mại thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.