Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy làm việc tại huyện Cư M'gar

17:59, 19/07/2018

Chiều 19-7, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thuờng vụ Huyện ủy Cư M’gar nhằm kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.

6 tháng đầu năm 2018, kinh tế - xã hội của huyện Cư M’gar phát triển ổn định, cơ bản đạt được các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, tổng giá trị sản xuất đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện trên 72 tỷ đồng, đạt trên 73% dự toán tỉnh giao và gần 70% dự toán HĐND huyện giao. Về đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách huyện đã giải ngân 19,228 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn giao. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ cho người dân cũng được quan tâm thực hiện; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

 

  Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế giai đoạn 2016-2018 của huyện Cư M’gar duy trì mức tăng trưởng khá, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 9,81%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông, lâm ngư nghiệp tăng bình quân 4,42%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 12,14%/năm, thương mại - dịch vụ tăng 16,92%/năm. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 43 triệu đồng/năm (tăng 13 triệu đồng so với năm 2016). 

Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 100% thôn, buôn, tổ dân phố và 98,8% trường học có chi bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp 539 đảng viên, tỷ lệ đảng viên ở lứa tuổi thanh niên, đảng viên nữ, đồng bào dân tộc thiểu số đều tăng.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi làm việc

Kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, Huyện ủy Cư M’gar thừa nhận những hạn chế như: nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững chưa đạt so với yêu cầu, việc liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn lúng túng, nhất là về thị trường tiêu thụ; tiềm năng về du lịch sinh thái trên địa bàn chưa được khai thác hiệu quả; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số cơ sở còn mang tính hình thức.

Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến, Huyện ủy Cư M’gar đề ra một số nhiệm vụ như: tiếp tục đẩy mạnh tái canh và phát triển cà phê theo hướng bền vững; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây trồng lợi thế của huyện như bơ, sầu riêng; đẩy mạnh công tác thu ngân sách nhà nước; tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng...

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar và các sở, ban ngành bên ngoài cuộc họp
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao đổi với Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar và các sở, ban ngành bên lề cuộc họp

 

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả mà Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu Huyện ủy Cư M’gar trong thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thu ngân sách; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; thúc đẩy đầu ra, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương; tiếp tục đề ra những giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có trên địa bàn...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.