Multimedia Đọc Báo in

Giao ban công tác khuyến học các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ năm 2018

14:35, 24/07/2018

Sáng 24-7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cụm thi đua số 6 Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến học các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nhằm sơ kết, đánh giá kết quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước; H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; đại diện các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh; lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị.

Cụm thi đua số 6 Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam gồm 9 tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với gần 1,5 triệu hội viên, 1.186 hội khuyến học cơ sở, 15.265 chi hội khuyến học và 5.223 ban khuyến học.

6 tháng đầu năm 2018, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được các tỉnh trong Cụm chú trọng, phát triển hiệu quả. Hội Khuyến học các tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đến nay, toàn cụm có 1.199 Trung tâm học tập cộng đồng/1.202 xã, phường, thị trấn; đã đăng ký xây dựng hơn 1,2 triệu gia đình học tập, 2.268 dòng họ học tập, 7.088 cộng đồng học tập và 6.785 đơn vị học tập. Các tỉnh có số lượng đăng ký cao là: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Quỹ Khuyến học được triển khai hiệu quả với tổng nguồn quỹ trên 104,6 tỷ đồng, bình quân so với dân số toàn cụm đạt trên 10.500 đồng/người. Công tác thu, chi, quản lý Quỹ Khuyến học được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chính xác, công bằng và tiết kiệm.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát huy những kết quả đã đạt được, những tháng cuối năm 2018, Cụm thi đua số 6 tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên; tiếp tục vận động xây dựng Quỹ Khuyến học; tổ chức trao học bổng, khen thưởng định kỳ và đột xuất; xét và công nhận các danh hiệu “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “khu dân cư học tập”, “đơn vị học tập”…

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục phát huy hiệu quả cao trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Doan đề nghị các cấp Hội Khuyến học trong Cụm thi đua số 6 cần tập trung phát triển phong trào học tập của người lớn trong các đơn vị hành chính, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp…; đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện việc xây dựng các mô hình học tập; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc học tập. Bên cạnh đó, cần quan tâm, chú trọng đến các Trung tâm học tập cộng đồng nhằm phát huy hiệu quả và việc học tập bền vững của các trung tâm; tham mưu cho lãnh đạo ở các địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho người làm công tác khuyến học; tăng cường phát triển hội viên, cũng như xây dựng các nguồn quỹ khuyến học…

Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao học bổng tặng các tỉnh của cụm thi đua số 6.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao học bổng tặng các tỉnh của cụm thi đua số 6.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Ninh Thuận với tổng trị giá 600 triệu đồng (100 triệu đồng/tỉnh).

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.