Đắk Lắk đăng ký tham gia chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm", giai đoạn 2018-2020
Theo Công văn 7404/UBND-NN-MT, ngày 4-9 của UBND tỉnh, tỉnh đã đăng ký tham gia chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)", giai đoạn 2018-2020.
Các nội dung chỉ đạo gồm: hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn triển khai chương trình OCOP; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng mô hình; tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, với tổng kinh phí thực hiện 4,8 tỷ đồng.
Cụ thể, việc hỗ trợ tư vấn sẽ tập trung tư vấn tài chính, phát triển sản phẩm; quản trị doanh nghiệp… đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với kinh phí thực hiện 500 triệu đồng; hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sẽ được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã, kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng.
Các đại biểu tham quan tìm hiểu sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương tại Hội nghị Hợp tác - xúc tiến đầu tư của Nhật Bản tại Đắk Lắk. Ảnh minh họa |
Về hỗ trợ xây dựng mô hình, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 4 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm Cà phê bột tại xã Ea Kiết (Cư M’gar) và xã Ea Púk (Krông Năng); sản phẩm Sầu riêng, Bơ theo chuẩn VietGAP tại xã Ea Yông (Krông Pắc); sản phẩm Bò thịt, Bò giống tại xã Cư Ni và Cư Yang (Ea Kar); sản phẩm Nấm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Điền (Krông Ana); tổng kinh phí thực hiện 2 tỷ đồng.
Về tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sẽ triển khai ở các nội dung: hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử bán hàng, giới thiệu sản phẩm; tham gia hội chợ triển lãm, hỗ trợ điểm trưng bày, bán hàng OCOP, kinh phí thực hiện 1 tỷ đồng.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc