Multimedia Đọc Báo in

Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại các xã của huyện Buôn Đôn

17:18, 20/09/2018

Ngày 20-9, Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước năm 2018 trên địa bàn tỉnh (Đoàn kiểm tra 1228) đã tiến hành kiểm tra công tác CCHC tại các xã Krông Na và Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), mốc thời gian từ tháng 1-2017 đến hết tháng 6-2018.

ư
Đoàn kiểm tra 1228 làm việc với lãnh đạo UBND xã Krông Na

Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung công tác CCHC tại UBND các xã Krông Na và Ea Nuôl đều được thực hiện có hiệu quả. Chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp xã ngày càng được nâng cao, gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai mô hình một cửa - một cửa liên thông. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm thực hiện... 

Từ tháng 1-2017 đến hết tháng 6-2018: UBND xã Krông Na đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn là 8.517 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn; xã Ea Nuôl cũng giải quyết được 7.201 hồ sơ đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn.

d
Thành viên đoàn giám sát (bìa trái) kiểm tra, hướng dẫn xử lý các văn bản TTHC tại xã Ea Nuôl

Đoàn cũng đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế của các địa phương như: UBND xã Krông Na chưa ban hành kịp thời các văn bản kiểm tra CCHC của đơn vị; thiếu quan tâm chỉ đạo việc áp dụng công nghệ thông tin trong CCHC; việc niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật về TTHC tại bộ phận một cửa chưa đầy đủ; chưa thiết lập hồ sơ ghi chú cụ thể về việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC; tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn còn thấp…

Đối với xã Ea Nuôl, chưa thực hiện đầy đủ việc tiếp nhận, giải quyết TTHC qua hệ thống Igate của tỉnh; chưa ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC; việc niêm yết, công khai TTHC chưa đầy đủ...

c
Người dân đến làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Ea Nuôl

Đoàn kiểm tra đề nghị UBND các xã cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành, thực hiện công tác CCHC. Hằng năm phải xây dựng kế hoạch về CCHC, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân phụ trách, có sự giám sát, đánh giá để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến công tác CCHC cho nhân dân; bố trí cán bộ chuyên trách hợp lý, có năng lực, trình độ chuyên môn để xử lý công việc hiệu quả…

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.