Multimedia Đọc Báo in

Từ năm học 2020 - 2021 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

19:01, 09/01/2019

Chiều 9-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ  phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình)

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Chương trình GDPT mới bao gồm chương trình tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình GDPT mới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu như: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; phát triển những năng lực như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán… Chương trình GDPT mới được chia thành hai giai đoạn gồm: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình gồm: môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; môn học tự chọn; môn học lựa chọn. Trong đó, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở bậc tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh), Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm; ở bậc Trung học gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp; ở bậc THPT gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục uốc phòng - an ninh, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” gồm: giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Theo lộ trình, Chương trình GDPT mới sẽ được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến, đề xuất của các Bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương trong toàn quốc và sẽ tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới; Bộ GD-ĐT cũng sẽ hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên. Các đơn vị, địa phương trong toàn quốc cần rà soát môi trường giáo dục theo hướng an toàn, thân thiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cần tạo động lực cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về chế độ làm việc, chính sách nhằm giúp các thầy cô yên tâm công tác và cống hiến…

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.