Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo khoa học về thực trạng truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên

08:38, 09/06/2019

Sáng 8-6, tại TP. Buôn Ma Thuột, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học đề tài Nhà nước “Thực trạng truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số miền Trung – Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra”.

Tham dự  Hội thảo có PGS. TS. Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các đồng chí trong Ban Giám hiệu, giảng viên các khoa, phòng của Trường Chính trị tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Trong phát biểu đề dẫn, PGS. TS. Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Chủ nhiệm đề tài đã khẳng định sự cần thiết của việc cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số và thiết lập các kênh để lắng nghe ý kiến đồng bào. Thời gian qua, ở khu vực miền Trung – Tây nguyên, công tác truyền thông đã đặc biệt chú trọng nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu tuyên truyền gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, trong công tác truyền thông, nội dung thông tin còn nghèo nàn, các phương thức truyền tải thông tin ở một số địa phương còn cứng nhắc, chưa hấp dẫn, thiếu tính thuyết phục. Hầu như tất cả các tỉnh đều tuân thủ chung một mô hình truyền thông mà chưa có những chuyển đổi, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dân tộc.    

Các đại biểu tham dự hội thảo.  
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, đồng tình với ý kiến của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Cảnh, các đại biểu đều chung nhận định: Làm tốt công tác truyền thông sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin dành cho đồng bào dân tộc với đồng bào các khu vực khác, thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực, vì sự phát triển chung của xã hội. Theo đó, đại biểu bày tỏ sự thống nhất với những nội dung đề tài phân tích nghiên cứu, đề cập. Đồng thời trao đổi, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, làm sáng rõ thực trạng, bổ sung thêm những giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn công tác này. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Y Wơn Bkrông cho rằng: Đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ, vì vậy người phụ nữ rất có uy tín, uy lực, họ có thể đại diện với các mối quan hệ trong buôn, làng làm tốt công tác truyền thông. Hiện nay kênh phát thanh mới duy trì được hai thứ tiếng Mnông, Êđê. Để làm tốt hơn công tác này cần biên soạn tờ rơi, tờ gấp ngắn gọn, dễ hiểu, biên tập song ngữ, nêu gương điển hình tiên tiến trên truyền thanh, truyền hình. Còn theo Phó Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Dương Thế Hoàn, hiện nay ấn phẩm báo chí đến tay đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhiều. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả truyền thông cần tăng cường các hình thức trực quan, đầu tư thích đáng cho truyền thanh cơ sở, nên có báo ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác truyền thông...

Những ý kiến trao đổi tại hội thảo là cơ sở quan trọng để bổ sung hoàn chỉnh đề tài và có giá trị trong thực tiễn nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Trung – Tây Nguyên.

Phạm Thị Minh Tính

 

 

 


Ý kiến bạn đọc