Multimedia Đọc Báo in

Thường trực Tỉnh ủy đối thoại với cán bộ nữ

17:36, 06/06/2019
Sáng 6-6, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức buổi đối thoại với cán bộ nữ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị; đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ nữ tại địa phương, đơn vị.
 
Tham dự buổi đối thoại có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; cán bộ nữ giữ các chức vụ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh.
 
Các đại biểu tham dự buổi đối thoại
Các đại biểu tham dự buổi đối thoại
 
Trong thời gian qua, công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tham gia cấp uỷ các cấp, ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND ngày càng tăng.
 
Cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2015-2020, đối với cấp tỉnh chiếm tỷ lệ 18,85%, cấp huyện 21%; nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ này lần lượt là 19,8% và 21,02%.
 
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp tỉnh chiếm 12,5% (tăng  5,23% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh là 22,35%; có 2/9 cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khoá XIV (chiếm 22,22%)…
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi đối thoại
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại buổi đối thoại
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác cán bộ nữ trong thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chưa đạt theo chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước” (đảm bảo tỷ lệ 25% trở lên); số lượng cán bộ nữ được điều động, luân chuyển chưa nhiều; việc bố trí cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số trong cơ quan quản lý, lãnh đạo chủ chốt các cấp, địa phương ở một số nơi vẫn chưa thực hiện tốt; chưa có nhiều chính sách đãi ngộ, khuyến khích, thu hút nhân tài là cán bộ nữ về địa phương công tác...
 
Đại diện cán bộ nữ huyện Ea H'leo đề xuất các kiến nghị
Đại diện cán bộ nữ huyện Ea H'leo nêu kiến nghị
 
Tại buổi đối thoại, cán bộ nữ tỉnh đã có 13 đề xuất, kiến nghị xoay quanh một số vấn đề như: chủ trương, chính sách của tỉnh trong thu hút nguồn nhân lực nữ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21- CT/TW, ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; việc bố trí nữ đại biểu ứng cử đại biểu HĐND các cấp ở một số địa bàn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ trúng cử chưa cao; còn ít cán bộ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, quản lý các cấp và địa phương; cần xây dựng các chính sách đãi ngộ đặc thù dành riêng cho cán bộ nữ được theo học các khoá nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cán bộ nữ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc luân chuyển, điều động cán bộ nữ trên địa bàn…
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh giải đáp những thắc mắc của cán bộ nữ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh giải đáp những thắc mắc của cán bộ nữ
 
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của cán bộ nữ và giải đáp của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đề nghị các cấp, các ngành nghiêm túc tiếp thu những đề xuất, kiến nghị chính đáng của cán bộ nữ, qua đó kịp thời tham mưu, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị số 21-CT/TW, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về công tác cán bộ nữ trong thời gian tới.
 
Vân Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.