Multimedia Đọc Báo in

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có thể bị xử phạt 1 tỷ đồng

17:40, 11/06/2019

Từ ngày 10-6, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực. 

​Theo đó, nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực lâm nghiệp không được quy định tại nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại nghị định này đối với cá nhân tối đa là 500 triệu đồng; đối với tổ chức có cùng hành vi và mức độ vi phạm thì phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân (tối đa là 1 tỷ đồng).

Xe máy chở gỗ trái phép bị Vườn Quốc gia Yok Đôn thu giữ
Xe máy chở gỗ trái phép bị Vườn Quốc gia Yok Đôn thu giữ. (Ảnh minh họa)

Nghị định cũng nêu những hành vi thường thấy gây nguy hiểm cho rừng và con người như: đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh... có thể bị phạt từ 1,5 - 3 triệu đồng. Hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 5 - 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung. 

Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt tiền từ 360 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm có tang vật là động vật rừng thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB với số lượng 2 cá thể lớp thú hoặc từ 5 đến 6 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 6 đến 9 cá thể động vật lớp khác; từ 475 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển trái pháp luật sản phẩm chế biến từ gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp trị giá 475.000.000 đồng trở lên…

            Bảo Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.