Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

06:45, 18/07/2019

Chiều 17-7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) 6 tháng cuối năm 2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì hội nghị. 

Báo cáo tại hội nghị, trong năm 2019, bệnh SXH xuất hiện trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 15-7, toàn tỉnh ghi nhận 4.725 trường hợp mắc SXH, với 162 ổ dịch, không có trường hợp tử vong. Số mắc chủ yếu tại TP. Buôn Ma Thuột (1.787 ca), Buôn Đôn (591 ca), Cư M’gar (360 ca), Krông Năng (544 ca), Krông Búk (338 ca), Krông Ana (286 ca). Hiện trên địa bàn tỉnh đang ghi nhận sự lưu hành của 3 type vi rút Dengue là  DEN-1, DEN-2 và DEN-4

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu tại hội nghị.

Để ứng phó với dịch bệnh SXH, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp đã triển khai nhiều biện pháp: trực tiếp xử lý và giám sát, hướng dẫn việc xử lý ổ dịch tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống SXH… Tuy nhiên, việc phản hồi thông tin và tiến hành điều tra, xử lý đa số ca bệnh, ổ dịch SXH chưa kịp thời; các chiến dịch loại trừ bọ gậy tổ chức chưa hiệu quả; chưa có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể xã hội trong hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH; người dân còn trông chờ vào việc xử lý ca bệnh, ổ dịch bằng hóa chất mà không quan tâm đến việc loại trừ ổ chứa bọ gậy tại nhà...

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo dự báo của ngành chức năng, số mắc từ đầu năm đến tháng 7 mới chỉ chiếm khoảng 19% tổng số ca mắc trong năm. Thời gian tới, bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với số mắc tăng cao, dự kiến đỉnh dịch là tháng 8 và tháng 9. Do đó, để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh SXH, khống chế kịp thời không để xảy ra dịch lớn, hội nghị đã thảo luận đề ra các giải pháp cụ thể về công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thông tin, báo cáo cũng như giải pháp về chuyên môn, đặc biệt là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và sự phối hợp liên ngành trong phòng chống SXH. 

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ Trần Ngọc Việt nêu ý kiến trao đổi tại Hội nghị.
Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ Trần Ngọc Việt nêu ý kiến trao đổi tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt những biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương tổ chức có hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; chỉ đạo hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để phòng chống dịch kịp thời; đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị, nhân lực và giường bệnh trong tiếp nhận điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do SXH. Sở Giáo dục – Đào tạo tích cực triển khai các hoạt động phòng chống SXH trong trường học, tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên cách phòng chống SXH. Đồng chí cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động nguồn lực bảo đảm công tác phòng chống SXH trên địa bàn, kiên quyết xử lý không để dịch kéo dài, lan rộng…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.