Multimedia Đọc Báo in

Triển khai Chương trình Sản xuất kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội tại huyện Krông Năng

15:49, 06/08/2019

Sáng 6-8, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển cảnh quan bền vững tỉnh (ISLA) để triển khai Chương trình Sản xuất kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI) tại huyện Krông Năng.

Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình ISLA chủ trì hội nghị; tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và tổ chức hữu quan…

a
Đại biểu tham dự cuộc họp.

Chương trình PPI triển khai thực hiện thí điểm tại huyện Krông Năng hướng tới xây dựng vùng cảnh quan cà phê bền vững trên tổng diện tích 5.200 ha với sự tham gia của 4.000 nông hộ ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dlie Ya; trong đó, có 3.720 ha cà phê, 1.480 ha tiêu và cây ăn trái.

Các hoạt động chính trong Chương trình gồm: xây dựng mô hình cụm cảnh quan cà phê bền vững với diện tích rộng 440 ha; tái cấu trúc chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật); xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; thành lập và nâng cao năng lực của các hợp tác xã và học tập sáng tạo thông qua tập huấn nông dân chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới.

a
Các đơn vị liên quan ký kết hợp tác thực hiện Chương trình.

Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là 100% cà phê sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận; giảm 25% lượng nước tưới sử dụng, giảm 15% lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, tăng 30% thu nhập của nông dân trồng cà phê.

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã ký kết phối hợp thực hiện Chương trình.

a
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh, việc thí điểm triển khai Chương trình PPI ở Đắk Lắk không chỉ cho phép người dân giảm lượng sử dụng nước và hóa chất nông nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất mà còn hỗ trợ nông dân bảo tồn tài nguyên đất, nước cũng như tăng hiệu quả sản xuất, giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo vệ tài nguyên rừng. Để việc triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả, các đơn vị liên quan cần phối hợp, vào cuộc đồng bộ, thống nhất; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân tham gia vào Chương trình từ đó thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm để dần nhân rộng Chương trình ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh...

Được biết, ở Việt Nam, Chương trình PPI được triển khai thí điểm tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk) và huyện Di Linh, Lạc Dương (Lâm Đồng).

Thúy Hồng

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.