Phổ biến chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên
Sáng ngày 22-10, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách về nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên.
Tham dự có Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy phát biểu tại hội nghị |
Sản xuất NNHC là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, sạch của người tiêu dùng. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ có sản xuất NNHC, với tổng diện tích canh tác đạt 50,9 triệu ha, giá trị sản phẩm NNHC năm 2018 ước tính đạt gần 90 tỷ USD, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC hàng năm ngày càng tăng.
Các đại biểu chủ trì hội nghị |
Việt Nam hiện đã có 40/63 tỉnh, thành phố sản xuất NNHC với hai mô hình cơ bản là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng những tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống bảo đảm sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến cơ chế, chính sách, định hướng phát triển NNHC Việt Nam. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng, phát triển NNHC không khó làm, quan trọng là Nhà nước phải có chính sách cụ thể, có hướng dẫn rõ ràng cho từng địa phương, cũng như gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện đúng sản phẩm NNHC...
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm rau hữu cơ được trưng bày tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy nhấn mạnh, Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển NNHC. Song sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ ràng về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể; thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển trong khi thị trường xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hầu như không có sẵn. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ; cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển NNHC còn thiếu... Do đó, trong thời gian tới Đắk Lắk cần quan tâm xây dựng các chính sách đặc thù về phát triển NNHC, đồng thời kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến với Đắk Lắk để phát triển NNHC, nông nghiệp công nghệ cao.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc