Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2020

16:55, 24/12/2019

Sáng 24-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2019 và triển khai công tác năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và chỉ đạo hội nghị. 

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. 

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, ngành Tư pháp đã tập trung tổ chức thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được thông qua. 

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư pháp đã thực hiện hoàn thành 125/151 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn; tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương. 

4234
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp từ màn hình)

Công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tiếp tục tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành được đánh giá. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tập trung thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp. Trong năm đã thụ lý 972.376 việc (tăng 4,99% so với năm 2018), trong đó có 737.061 việc có điều kiện thi hành, tổng số tiền thụ lý trên 273.748 tỷ đồng.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống thi hành án dân sự được quan tâm. Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc đào tạo, hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung cho 63/63 địa phương, thể chế hóa công tác bồi thường Nhà nước, công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở...

4234
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các báo cáo chuyên đề gồm: Công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và sơ kết Hiến pháp năm 2013; Công tác phối hợp giữa hệ thống thi hành án dân sự với các cơ quan tư pháp trong tham mưu UBND các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; Một số vấn đề cần lưu ý qua công tác thanh tra liên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; Một số vấn đề cần lưu ý về việc xử lý các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

4234
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận phát biểu ý kiến tại hội nghị 

Trong năm 2020, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tập trung tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng...

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Tư pháp cần tập trung xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện sớm các chương trình, kế hoạch công tác để cụ thể hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; ứng dụng mạnh mẽ và tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành công tác Tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự; đổi mới lề lối làm việc, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.