Xây dựng thành công mô hình tổng hợp thí điểm về đồng cỏ, vùng chăn thả và chế biến thức ăn cho đại gia súc ở Tây Nguyên
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện thành công mô hình tổng hợp thí điểm cải thiện chất lượng đồng cỏ, vùng chăn thả và chế biến thức ăn cho đại gia súc quy mô nông hộ và quy mô trang trại ở Tây Nguyên.
Mô hình được thực hiện từ tháng 8-2017 tại Đắk Lắk. Các nông hộ tham gia được chuyển giao giống, vật tư nông nghiệp cũng như kỹ thuật để phát triển mô hình.
Tiến sĩ Vũ Anh Tài, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thuyết trình đề tài của mình tại Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm khuyến nông tỉnh |
Theo đó, mô hình thí điểm về quản lý và cải thiện chất lượng đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc quy mô nông hộ được thực hiện tại 3 hộ gia đình ở xã Ea Wer và Ea Huar (huyện Buôn Đôn), có diện tích đồng cỏ 6.700 m2, trồng các giống cỏ: VA06, voi xanh Đài Loan, Mombasa Ghi nê, Ruzi, Mulato II. Mô hình cải tạo và quản lý thảm thực vật kém chất lượng vùng chăn thả đại gia súc theo luân phiên quy mô trang trại được triển khai tại trang trại bò giống Ea Sô (huyện Ea Kar) với diện tích 3,5 ha, tiến hành cải tạo, trồng các giống cỏ: Mombasa Ghi nê, Mulato II, Ruzi. Kết quả, các giống cỏ sinh trưởng, phát triển tốt ngay cả khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đạt trữ lượng, chất lượng tốt.
Anh Nguyễn Cao Cường đang tiến hành kiềm hóa rơm, tạo nguồn thức ăn cho gia súc |
Mô hình chế biến, dự trữ thức ăn thô nhằm cung cấp ổn định thức ăn cho đại gia súc theo mùa được thực hiện tại 3 hộ gia đình ở huyện Buôn Đôn và trang trại bò của anh Nguyễn Cao Cường (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp). Bằng việc kiềm hóa rơm và ủ chua cỏ, ngọn, lá mía đã tận dụng được nguồn phế phẩm, giúp tiết kiệm chi phí, chủ động được nguồn thức ăn vào mùa khô.
Đây là mô hình nằm trong chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhằm phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân Tây Nguyên.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc