Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại

16:41, 28/02/2020

Thông tin từ ngành Y tế, trong một tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Vào ngày 9-2, bệnh nhân N.H.P., sinh năm 1962, ở thôn Tân Lập 2, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk bị chó nhà hàng xóm cắn vào vùng mặt, sau đó có đến phòng khám tư để xử lý vết thương nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đến ngày 21-2, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, được người nhà đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bệnh nhân xuất hiện thêm các triệu chứng tăng tiết đàm, nuốt khó, sợ gió, sợ nước. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán bệnh dại lên cơn.

Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dại (Ảnh minh họa).
Tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dại (Ảnh minh họa).

Tương tự, ngày 26-2, bệnh nhân Y.V.A., sinh năm 2013, ở buôn Dung A, xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo được người nhà đưa vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo trong tình trạng sốt, ho, khó thở. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhân lên cơn kích thích, sợ nước, sợ gió và tử vong vào buổi trưa cùng ngày với chẩn đoán bệnh dại lên cơn. Qua điều tra yếu tố dịch tễ được biết, khoảng 2 tuần trước đó, bệnh nhân Y.V.A. bị chó cắn ở cẳng tay bên phải, 3 ngày sau con chó chết, tuy nhiên bệnh nhân lại không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 

Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trước đó, bệnh nhân N.V.M., sinh năm 1963, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắc bị chó cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh dại và tử vong sau khi lên cơn dại.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.