Multimedia Đọc Báo in

Thường trực Tỉnh ủy tổ chức góp ý vào Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang

22:33, 27/03/2020

Chiều 27-3, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo lần 1 góp ý vào Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Vĩnh Cảnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan. 

d
Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn trình bày về dự án. Ảnh: H.Gia

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn (đơn vị tư vấn) giới thiệu các thông tin liên quan về Dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang gồm: căn cứ pháp lý; mục tiêu tổng quát; phương án tuyến; giải pháp thiết kế; phương án tổng thể giải phóng mặt bằng và sơ bộ tổng mức đầu tư. Cụ thể, có 3 phương án tuyến được đưa ra gồm: phương án 1 (gồm phương án 1A và 1B), tổng chiều dài dự kiến 105 km; phương án 2 chiều dài 110 km và phương án 3 chiều dài 150 km. Qua đó, phân tích từng mặt ưu, nhược điểm của từng phương án để các đại biểu thảo luận, góp ý kiến.

d
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đóng góp ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: H.Gia

Theo phân tích của Công ty, phương án 1A là khả thi nhất, định hướng dự kiến điểm đầu giao với tuyến tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk), điểm cuối giao với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông (tỉnh Khánh Hòa). Công trình đi qua 5 huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: Krông Pắc, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk và huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Dự kiến có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng, gồm 4 làn xe. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế từ 80 đến 120 km/giờ, vận tốc trung bình 95,5 km/giờ; thời gian lưu thông 1,1 giờ.

Phương án tổng thể giải phóng mặt bằng (GPMB), do tuyến chủ yếu đi qua khu vực là đất nông nghiệp, đất rừng trồng và một phần đất tự nhiên, chi phí sẽ không lớn. 

d
Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tham gia ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: H.Gia

Góp ý tại cuộc họp, các sở, ngành đều thống nhất sự cần thiết đầu tư tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần bổ sung nút giao kết nối tại các huyện, giải pháp thiết kế. Đặc biệt, tuyến đường có các điểm khống chế bởi hồ đập, thủy điện, địa hình núi cao, vùng hạ cánh hàng không, cần bổ sung cả điểm khống chế đi qua khu đất quốc phòng. Quá trình lập hồ sơ dự án trình Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ lợi ích mang lại khi đầu tư tuyến đường, phương án kết nối du lịch, khu dân cư, điều chỉnh bổ sung quy mô gồm 6 làn xe. 

d
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: H.Gia

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nhấn mạnh, việc xây dựng được tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang hết sức cần thiết, sẽ giải quyết vấn đề giao thông vận tải, phục vụ du lịch, giao thương hàng hóa..., góp phần cụ thể hóa Kết luận 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời đây là cơ sở để trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Đồng chí đề nghị  các sở, ngành tích cực phối hợp đơn vị tư vấn để hoàn thiện phương án định tuyến sớm. Thống nhất chọn hướng tuyến theo phương án 1A dài 105 km, quy hoạch 6 làn xe, trước mắt xây dựng 4 làn xe. Đề nghị đơn vị tư vấn làm việc với Sở Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ tuyến đường. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tham gia bổ sung nội dung để tiếp tục hội thảo lấy ý kiến lần 2, đồng thời chủ động đề xuất quy hoạch khu dịch vụ, khu công nghiệp và phương án kết nối.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.