Đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bức xúc, khiếu kiện của công dân
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-6, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính đối với người bị kiện là UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng.
Tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Hiệp cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Năng, trong thời gian từ ngày 1-7-2016 đến 31-12-2019, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện đã tham gia tố tụng 13 vụ kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai.
TAND cấp có thẩm quyền đã ban hành 3 bản án hủy quyết định hành chính của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng. Sau khi các bản án có hiệu lực pháp luật, UBND, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng đã nghiêm túc thực hiện.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát |
Hiện còn 4 bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng UBND huyện Krông Năng chưa thống nhất cách xử lý và cho rằng nội dung các bản án, quyết định này không rõ ràng, không phù hợp với thực tế, chồng chéo…
Theo UBND huyện Krông Năng, nguyên nhân của việc ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật là do quá trình thiết lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua các thời kỳ chưa đảm bảo theo trình tự thủ tục của pháp luật về đất đai; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai sót về tên chủ sử dụng, sơ đồ thửa đất, diện tích; quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai chưa phù hợp, kéo dài…
Ông Trần Minh Tùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo giải trình với Đoàn giám sát |
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, nội dung và hình thức của báo cáo việc chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính đối với người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng còn thiếu chặt chẽ, sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát của Đoàn; chưa nêu rõ việc có bao nhiêu vụ án hành chính liên quan mà đại diện UBND huyện vắng mặt tại tòa khi xét xử; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính có sai phạm chưa nghiêm...
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thành viên Đoàn giám sát tham gia thảo luận |
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát đề nghị UBND huyện Krông Năng cần thực hiện nghiêm túc Luật Tố tụng hành chính năm 2015, nhất là một số quy định về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định; Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ Quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án, quyết định của Tòa án; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh.
Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan chức năng của huyện; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật...
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xác định đối thoại là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết dứt điểm bức xúc, khiếu kiện của tổ chức, cá nhân.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc