Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và thu hồi 4 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không hợp pháp

11:05, 10/06/2020

Ngày 9-6, Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, Sở vừa ra quyết định thu hồi 4 chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh không hợp pháp, đồng thời tiến hành xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm trong việc cấp chứng chỉ hành nghề.

Trước đó, qua rà soát, kiểm tra hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện 4 trường hợp không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Các trường hợp này gồm: Huỳnh Văn Bình (SN 1985), Hứa Chí Cường (SN 1982), Lê Anh Tài (SN 1978), Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976), đều có trình độ chuyên môn là bác sĩ đa khoa.

Theo văn bản kết luận của Thanh tra Sở Y tế, cuối năm 2017, thông qua mạng xã hội facebook, Huỳnh Văn Bình đã liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (ở TP. Hồ Chí Minh) để được hỗ trợ làm chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Sau đó bà Ý hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột). Qua trao đổi, bà Hồng cho ông Bình xem một số trường hợp đã làm được chứng chỉ hành nghề, đồng thời cam kết tất cả đều có hồ sơ gốc đầy đủ và hợp lệ. Sau khi thương thảo, ông Bình chấp nhận chi số tiền 220 triệu đồng để bà Hồng làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản của bà Hồng.

Tháng 7-2018, bà Hồng đưa ông Bình đến Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên bổ sung hồ sơ, nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình do bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc bệnh viện ký. Theo quy định, ông Bình phải tham gia thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện 18 tháng. Đến tháng 1-2019, ông Bình nhận được chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, xác định ông Bình chỉ tham gia thực hành tại BVĐK vùng Tây Nguyên trong vòng 1 tháng (tháng 7-2018).

BVĐK vùng Tây Nguyên - nơi các trường hợp nói trên
BVĐK vùng Tây Nguyên - nơi 4 trường hợp nói trên đăng ký thực hành để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề. 

Cũng bằng cách làm nói trên, Hứa Chí Cường và Huỳnh Thanh Giàu lần lượt đưa cho bà Ý số tiền 300 triệu đồng để “sở hữu” chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cấp. Riêng trường hợp của Lê Anh Tài, hiện Thanh tra Sở Y tế vẫn chưa liên hệ được để làm việc cụ thể. Cả 3 trường hợp này không tham gia thực hành tại BVĐK vùng Tây Nguyên nhưng vẫn có giấy chứng nhận hoàn thành thực hành, sau đó đều được cấp chứng chỉ hành nghề.

Qua làm việc với thanh tra, 3 trường hợp Huỳnh Văn Bình, Hứa Chí Cường, Huỳnh Thanh Giàu đều thừa nhận họ chỉ đưa tiền cho bà Ý để sau đó được nhận chứng chỉ hành nghề chứ không hề hay biết và không ký tên vào các loại văn bản, giấy tờ liên quan về việc thực hành, xác nhận thực hành và không trực tiếp làm hồ sơ, nộp hồ sơ đề nghị Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.

Qua thanh tra, Sở Y tế đã tiến hành xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm trong việc cấp chứng chỉ hành nghề. Đắk Lắk Online sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và cập nhật thông tin đến bạn đọc . 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.